Thế giới

Rút khỏi TPP, Mỹ khó có thể bỏ rơi châu Á

Giáo sư Mỹ cho rằng châu Á quá quan trọng khiến Mỹ không thể từ bỏ hoàn toàn, dù ông Trump không mặn mà với các hiệp định thương mại đa phương.

rut-khoi-tpp-my-kho-co-the-bo-roi-chau-a

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và ông Mit Romney, phải, người có thể trở thành ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP

"Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế, nó còn bao gồm cả ý nghĩa an ninh với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng người dân Mỹ không nhìn nhận thư thế. Họ chia tách rõ hai vấn đề kinh tế và an ninh trong tâm trí và ông Donald Trump ủng hộ điều đó", giáo sư John Karaagac, Đại học Indiana, Mỹ, trao đổi với VnExpress nhân dịp ông đến làm việc tại Hà Nội.

Theo giáo sư Karaagac, khi Tổng thống Barack Obama đưa TPP ra thảo luận, nó kéo dài trong nhiều năm và quá phức tạp, khiến người dân Mỹ "sợ hãi", vì thế việc Tổng thống đắc cử Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này ngay sau khi nhậm chức là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc Washington rút khỏi hiệp định này không có nghĩa là Mỹ rời bỏ châu Á, ôngTrump sẽ vẫn duy trì chính sách xoay trục của Obama.

"Làm sao Mỹ có thể không quan tâm đến châu Á, khu vực này quá quan trọng, hãy nhìn vào hợp tác kinh tế, vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây. Washington sẽ không rời khỏi châu Á", ông Karaagac nhận định. 

Chuyên gia người Mỹ lưu ý Tổng thống đắc cử Trump sẽ có cách tiếp cận với chính sách xoay trục khác với Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama.

"Trump thiên về tách bạch vấn đề thương mại và quân sự trong các thỏa thuận với các đối tác ở châu Á, có thể theo đuổi hợp tác song phương giữa Mỹ với Việt Nam, với Nhật Bản hay Hàn Quốc", ông Karaagac nói.

Hơn thế, giáo sư còn dự báo ông Trump sẽ gia tăng xây dựng lực lượng quân đội hoặc hải quân để gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực. 

"Có thể gọi nó là mô hình hợp tác Trục bánh xe và Nan hoa (Hub and Spoke), gồm hợp tác giữa Washington với Tokyo, Washington với Seoul, Washington với Manila và Hà Nội có thể tham gia vào cấu trúc này", ông Karaagac gợi ý.

Lựa chọn mới cho các nước thành viên TPP

Giáo sư Karaagac đánh giá 11 nước tham gia đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam, đã dành nhiều năm để thảo luận về hiệp định, nhưng thời điểm này không phải lúc để xúc tiến các thỏa thuận đa phương. 

"Tôi cho rằng các nước cần giữ mục tiêu của mình với TPP nhưng cũng cần giảm tông xuống, hãy nghĩ về điều các bạn có thể làm khi Mỹ có thể xúc tiến các thỏa thuận song phương có quy mô nhỏ hơn. Hãy thay đổi khung thời gian", ông Karaagac nói.

Dự báo về khả năng Mỹ quay trở lại với TPP, giáo sư cho rằng có thể ông Trump sẽ đưa ra quyết định muộn hơn sau khi cân nhắc kỹ về việc "mặc cả". Chuyên gia lưu ý, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu sự tham gia của Mỹ, vì vậy không loại trừ khả năng Washington trở lại với hiệp định.

Theo ông Karaagac, việc Tổng thống đắc cử Trump thay đổi một số chính sách so với các tuyên bố khi tranh cử là điều dễ hiểu, các tổng thống Mỹ đều thực hiện sự điều chỉnh vì ngay trong đảng Cộng hoà hay Dân chủ đều có những nhóm khác nhau, có những quan điểm khác nhau. Vấn đề là ông Trump thay đổi các chính sách ở mức độ nào, nếu thay đổi quá nhiều sẽ khiến người ủng hộ ông lo ngại.

Thời điểm này, Donald Trump đang thực hiện chính sách đàm phán, mặc cả để đưa ra các thoả thuận trong lúc lựa chọn nhân sự cho bộ máy chính quyền mới của mình. 

"Người Mỹ chúng tôi có câu 'Nhân sự là chính sách', hãy chờ xem các cố vấn thân cận của ông Trump là ai, chờ xem ai là cố vấn về châu Á, chúng ta sẽ biết định hướng của Mỹ với khu vực này", giáo sư nói.

Việt Anh

VNExpress

Tổng thống đắc cử Donald Trump, Mỹ, châu Á, TPP, Việt Nam, kinh tế, quân sự, Biển Đông, Trung Quốc


© 2021 FAP
  3,215,677       4/1,510