Thế giới

Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro trong mắt cố vấn tổng thống Mỹ

Ted Sorensen, cố vấn của Nhà Trắng trong những năm Mỹ căng thẳng nhất với Cuba, kể lại về những cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro.

cuu-chu-tich-cuba-fidel-castro-trong-mat-co-van-tong-thong-my

Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ảnh: AP

Khi ông Fidel Castro rời ghế chủ tịch Cuba năm 2008, Ted Sorensen, cố vấn của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong giai đoạn 1961-1963 và là tác giả của một số bài diễn văn nổi tiếng nhất của Tổng thống này, đã viết bài hồi ký về ông Castro, với yêu cầu chỉ được công bố khi nhà lãnh đạo Cuba từ trần.

Ông Sorensen qua đời vào năm 2010, trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba. Sau khi ông Castro ngày 25/11 trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 90, Daily Beast công bố bài viết của ông Sorensen, kể về cảm nhận của một cố vấn kỳ cựu Mỹ trong những lần gặp gỡ nhà lãnh đạo lâu năm của Cuba. Dưới đây là đoạn trích hồi ký mà ông Sorensen đã viết nhiều năm trước khi lãnh tụ Cuba qua đời:

"Cái chết của ông Fidel Castro khiến thế giới mất đi một người đặc sắc, lôi cuốn, gây tranh cãi mà tôi đã có ba cuộc gặp gỡ thú vị trong khoảng thời gian 25 năm.

Năm 1977, khi là một luật sư quốc tế tại thành phố New York, tôi được mời đến Havana trong thời gian chính quyền Jimmy Carter tạm nới lỏng lệnh cấm vận với Cuba. Thay mặt cho một số khách hàng, những người hy vọng sẽ tận dụng cơ hội để giao thương với Cuba (điều cuối cùng không xảy ra), tôi đã có hai cuộc gặp với ông Castro.

8 năm sau, có mặt tại thành phố New York để tham dự một hội đồng đặc biệt của Liên Hợp Quốc, kỷ niệm 40 năm ngày thành lập cơ quan này, ông Castro đã phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và chúng tôi nối lại liên lạc trước đó.

Tháng 10/2002, khi những người Mỹ, Nga và Cuba liên quan đến khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 tổ chức cuộc hội ngộ tại Havana dưới sự bảo trợ của Đại học Harvard và Brown (các cuộc hội ngộ trước đó từng được tổ chức tại Mỹ, Moscow và Havana), ông Castro không chỉ chủ trì cuộc gặp tại Havana, mà còn tổ chức một bữa tiệc trưa cho các thành viên chính của đoàn đại biểu Mỹ và dạ tiệc cho tất cả những người tham dự. Tại đây, tôi và vợ, Gillian, đã ngồi cùng bàn với ông ấy.

Trong mỗi lần gặp, tôi đều có cơ hội trao đổi lâu với ông Castro. Cả hai chúng tôi đều hòa nhã ngay cả khi có bất đồng ý kiến. Tôi thấy ông ấy là một người ăn nói hài hước và lưu loát, thành thạo tiếng Anh và quan tâm đến tất cả mọi thứ liên quan đến Mỹ và Tổng thống John F. Kennedy.

Lần gặp thứ hai trong năm 1977 diễn ra khi tôi đang ăn trưa với lãnh đạo Cơ quan Thể thao Cuba về khả năng tổ chức trận đấm bốc hạng nặng tại Madison Square Garden giữa một võ sĩ hàng đầu của Mỹ và nhà vô địch Olympic từ Cuba. Ông Castro đột nhiên bước vào và ngồi xuống bàn của chúng tôi. Ông bắt đầu tán gẫu với lãnh đạo ngành thể thao về sự cạnh tranh trong trận bóng rổ giữa các phòng ban chính phủ. Lãnh đạo ngành thể thao đó đã nhẹ nhàng "trách" ông Castro vì đã sử dụng cả chiều cao và vị thế của mình để "uy hiếp" trọng tài.

Dù chúng tôi có khác biệt trong quan điểm về chính trị, tôi vẫn thấy ông ấy là người lôi cuốn, ấn tượng và thông minh trong tất cả các cuộc gặp gỡ, ngay cả khi chúng tôi có quan điểm khác hẳn nhau về cách cuộc khủng hoảng tên lửa diễn ra và ý nghĩa của nó.

Trong lần gặp đầu tiên năm 1977, tôi tặng ông cuốn sách có tên Kennedy của tôi, ông Castro đã niềm nở nói: "Tôi muốn đọc cuốn sách này! Sao anh không giới thiệu từ trước?". Tôi trả lời: "Vì tôi không có cách nào chuyển lời được".

Khi tôi phát biểu tại bữa tiệc trưa năm 2002, tôi đã trêu chọc ông Castro về sự gay gắt của ông ấy với nước Mỹ trong thông điệp khẩn ngày 27/10/1962 mà ông gửi đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev, qua đại sứ Liên Xô tại Havana. Trong điện khẩn này, ông Castro đã thúc giục Liên Xô sử dụng tên lửa để "diệt trừ người Mỹ". Đáp lại, ông Castro cất giọng bằng tiếng Anh với sự uy quyền đủ để ngắt lời tôi tại bữa tiệc: "Đấy chỉ là biện pháp khi các anh tấn công thôi!".

Trong dạ tiệc năm 2002, ông Castro vẫn vui vẻ như 25 năm trước, nhưng có vẻ kém hoạt bát hơn. Điếu xì gà Cuba không còn trên tay hay miệng ông, bài phát biểu của ông cũng ngắn hơn.

cuu-chu-tich-cuba-fidel-castro-trong-mat-co-van-tong-thong-my-1

Ted Sorensen (phía sau) là cố vấn cho Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: alchetron

Bệnh tật có vẻ đã tìm đến ông. Tuy nhiên, qua bao nhiêu năm trời, Fidel Castro là ví dụ hoàn hảo nhất về "người sống sót". Thời trai trẻ, nhà lãnh đạo du kích đã sống sót qua nỗ lực đàn áp của chính quyền độc tài Batista nhằm đè bẹp cuộc cách mạng của ông ở vùng núi Sierra Madre. Ngay sau khi đảm nhận chức chủ tịch Cuba, ông sống sót sau nỗ lực tấn công của một đội quân Cuba lưu vong do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tổ chức, huấn luyện và trang bị, đổ bộ vào Vịnh Con lợn.

Ông Kennedy tiếc nuối về những ngày ông bị đánh lừa bởi những lý lẽ sai lầm mà CIA đã dùng để thuyết phục ông cho triển khai kế hoạch đó. Qua thời gian, ông ngày càng miễn cưỡng ngưỡng mộ kỹ năng lãnh đạo của ông Castro. Ông Kennedy và tôi đều có mặt khi một chuyên gia về chính sách đối ngoại dự đoán đầy tự tin rằng "những người khổng lồ" của nền ngoại giao toàn cầu thời đó - Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer, Thủ tướng Anh Harold Macmillan, thậm chí cả Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và ông Kennedy - tất cả sẽ còn sống lâu sau khi "gã mới nổi Cuba" này biến mất. Thế nhưng, cuối cùng thì tất cả những "người khổng lồ" đó đều từ giã cõi đời trước ông Castro.

Ông Castro cũng đã sống sót qua nền kinh tế yếu ớt ở Cuba, điều mà ông cho là do lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Ông đã sống sót qua một loạt các âm mưu ám sát cũng như phá hoại đảo quốc của CIA. Ông sống sót sau sự tan rã của Liên Xô và sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. 

Ông cũng đã trụ vững sau một loạt áp lực và thay đổi về vấn đề trong nước, chính trị và kinh tế. Ông Castro chưa bao giờ là mối đe dọa thật sự cho an ninh quốc gia Mỹ, khiến các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ ngày càng ít lý do để tồn tại... 

Trong chuyến thăm năm 2002, tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người ôn hòa và hiện đại dưới sự cầm quyền của ông Castro, những người cho tôi hy vọng rằng một ngày mới sẽ đến, quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Cuba cuối cùng cũng sẽ được bình thường hóa".

Thực tế, 4 năm sau khi ông Sorensen qua đời, Tổng thống Barack Obama tháng 12/2014 đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, viết nên chương mới trong quan hệ hai nước.

Xem thêm: Sự nghiệp cách mạng của huyền thoại Cuba Fidel Castro

VNExpress

Fidel Castro, Cuba, chủ tịch Cuba, lãnh tụ Cuba, điếu văn, hồi tưởng, cựu thù


© 2021 FAP
  3,212,536       12/1,491