Thế giới

Binh nhì đi lạc khơi mào cuộc chiến Trung - Nhật lần hai

Một lính sĩ bị lạc đường khi đi vệ sinh trong một cuộc tập trận giúp Nhật có cớ để phát động xâm lược toàn diện Trung Quốc trong thập niên 1930.

Lính Trung Quốc đi qua cổng thành Uyển Bình năm 1937. Ảnh: Public Domain.

Lính Trung Quốc băng qua cổng thành Uyển Bình năm 1937. Ảnh: Public Domain.

Chiến tranh thường bùng phát từ những điều tưởng như hoang đường nhất, nhưng vào năm 1937, đế quốc Nhật Bản còn đẩy chúng đi xa hơn từ một sự cố nhỏ dẫn đến bùng phát cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai và sau đó lan rộng ra chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến II, theo War History.

Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất hồi thập niên 1890, đế quốc Nhật Bản đã đánh bại Trung Quốc và chiếm đóng Hàn Quốc. Đến năm 1931, Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn Mãn Châu, nơi giàu trữ lượng than đá cùng các khoáng sản khác và bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp tại đây. Tuy nhiên, họ vẫn ôm mộng xâm chiếm và cai trị toàn bộ Trung Quốc.

Đến năm 1937, quân đội Nhật Bản tiến vào Phong Đài, khi đó còn là một khu rừng rậm ở phía tây nam Bắc Kinh. Lính Nhật và lực lượng phòng thủ Trung Quốc ở thành Uyển Bình chỉ đóng quân cách nhau cây cầu Marco Polo dẫn thẳng đến Bắc Kinh.

Để khủng bố tinh thần người Trung Quốc, quân Nhật tiến hành các cuộc tập trận trên khắp khu Phong Đài. Chính quyền Trung Quốc khi đó tỏ ra không hài lòng nhưng cũng không thể làm gì ngoài việc yêu cầu phía Nhật thông báo trước các cuộc tập trận để trấn an dân chúng.

Nhật Bản đồng ý điều này nhưng không hề có ý định giữ lời. Đến tháng 7/1937, các cuộc tập trận như vậy diễn ra thường xuyên hơn ở gần cầu Marco Polo mà không thông báo trước, thậm chí nhiều cuộc tập trận còn tiến hành sát khu vực Trung Quốc đóng quân.

Tuy vậy, Nhật Bản rất khó tìm cớ để gây chiến với phía Trung Quốc, bởi lính Nhật không có lý do để băng qua cây cầu Marco Polo vào thành Uyển Bình. Một biến cố nhỏ xảy ra vào đêm 7/7/1937 đã trở thành cái cớ tuyệt vời để quân Nhật phát động tấn công.

Khoảng 11 giờ tối hôm đó, quân Nhật tổ chức một cuộc tập trận bất ngờ gần cầu Marco Polo. Trong quá trình tập trận, binh nhì Shimura Kikujiro quyết định vào rừng để đi vệ sinh.

Binh nhì Shimura Kikujiro. Ảnh : Axis History.

Binh nhì Shimura Kikujiro. Ảnh : History.

Khi anh này tìm đường trở về, đơn vị của anh ta tại vị trí tập trận đã rời đi. Trong đêm tối, Kikujiro mò mẫm tìm đường trở về nơi đóng quân. Trong khi đó, các sĩ quan Nhật tại doanh trại điểm danh và phát hiện thiếu mất một binh sĩ. Ngay lập tức quân Nhật cử một số lính đến cầu Marco Polo và yêu cầu đi vào thành để tìm binh sĩ thất lạc.

Lính gác thành Trung Quốc từ chối bởi họ đã đóng cổng thành nhiều giờ trước đó và cho rằng việc một lính Nhật vào thành trước hoàng hôn là điều không thể. Tuy nhiên, phía Nhật vẫn kiên quyết đòi vào bằng được, buộc lính Trung Quốc đề nghị để họ tự tìm, nhưng quân Nhật từ chối và đe dọa sẽ tấn công nếu không mở cổng cho họ vào trong.

Các tài liệu mật được Thư viện Quốc hội Nhật Bản (NDL) công khai năm 2013 cho thấy các tướng lĩnh Nhật đã muốn lợi dụng sự cố này để phát động tấn công. Binh nhì Kikujiro sau đó đã trở về đơn vị an toàn.

Các tài liệu mật cũng cho thấy giao tranh đã nổ ra nhưng không rõ bên nào nổ súng trước. Nhưng việc này không quan trọng bởi Nhật Bản khi đó đã tìm được cớ nổ súng mà bấy lâu họ tìm kiếm.

Rạng sáng ngày 8/7/1937, một đơn vị lính Nhật tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của quân Trung Quốc nhưng bị đẩy lùi. Sau đó, Nhật ra tối hậu thư dọa sẽ phát động một cuộc tấn công lớn hơn nếu cổng thành Uyển Bình không mở.

Khi các cuộc thương lượng bất thành, tiếng súng bắt đầu rộ lên từ 4h50 sáng, khơi mào cho cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai. Dù trận đụng độ ở Uyển Bình kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn hai ngày sau đó, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn.

Hàng trăm nghìn lính Nhật được ồ ạt điều đến Trung Quốc, sau đó tiến quân xuống Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh, nơi khoảng 100.000 người Trung Quốc bị lính Nhật sát hại. Nhật Bản đã tìm ra lý do mới để phát động cuộc xâm lược toàn diện Trung Quốc và kéo họ vào một cuộc chiến thảm khốc trên mặt trận Thái Bình Dương cho đến khi Thế chiến II kết thúc năm 1945.

Duy Sơn

VNExpress

thế chiến 2, chiến tranh trung nhật, binh nhì đi lạc


© 2021 FAP
  3,197,657       66/1,708