Thế giới

Mánh nghề của băng nhóm lập tòa đại sứ Mỹ dỏm suốt 10 năm

Các nhóm tội phạm Ghana có thể đã đút lót quan chức chính phủ để họ làm ngơ trước việc chúng điều hành một đại sứ quán Mỹ giả trong suốt 10 năm.

manh-nghe-cua-bang-nhom-lap-toa-dai-su-my-dom-suot-10-nam

Hình ảnh đại sứ quán Mỹ giả (trái) và đại sứ quán Mỹ thật ở thủ đô Accra, Ghana. Ảnh: US State Department

Đầu tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chính quyền Ghana, quốc gia ở Tây Phi, vừa đóng cửa một đại sứ quán Mỹ giả mạo tồn tại giữa lòng thủ đô Accra suốt 10 năm mà không hề bị phát hiện. Tòa đại sứ quán giả này treo cờ Mỹ, hoạt động từ 7h30 đến 24h vào các ngày thứ hai, thứ ba và chủ nhật. Bên trong treo ảnh chân dung Tổng thống Mỹ Barack Obama và có những dấu hiệu khác để thể hiện rằng đây chính là đại sứ quán Mỹ thực sự.

Băng nhóm điều hành đại sứ quán giả

manh-nghe-cua-bang-nhom-lap-toa-dai-su-my-dom-suot-10-nam-1

6 tháng sau khi cảnh sát Ghana bắt giữ các nghi phạm điều hành đại sứ quán Mỹ giả mạo, các báo lớn mới đưa tin về vụ việc. Ảnh: BBC

Thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết điều hành đại sứ quán giả này là thành viên các băng nhóm tội phạm có tổ chức người Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ cùng một luật sư người Ghana chuyên về luật hình sự và di trú. "Các nhân viên lãnh sự" tại đây đều là công dân Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Anh và Hà Lan.

Theo BBC, tòa nhà bạc màu và xập xệ này trông không giống một đại sự quán thật. Đại sứ quán Mỹ thật ở Ghana là một khu phức hợp kiên cố tọa lạc ở Cantonments, ngoại ô Accra. Tại đây, từng dòng người vẫn xếp hàng dài mỗi ngày để phỏng vấn xin thị thực hoặc giải quyết các vấn đề lãnh sự khác.

Tuy nhiên, như phóng viên Sammy Darko ở Accra giải thích trên chương trình Focus on Africa của kênh truyền hình BBC, những vị khách đến đại sứ quán giả có lẽ chưa bao giờ tới một tòa đại sứ quán trước đây nên họ không biết chính xác nó như thế nào.

"Họ thấy những người da trắng ở đó, vì vậy họ tin đây chính là đại sứ quán Mỹ", Darko nói.

Mô tả từ Bộ Ngoại giao Mỹ về hoạt động của đại sứ quán giả giải thích tường tận hơn tại sao rất nhiều người bị lừa gạt.

"Đại sứ quán Mỹ giả không chấp nhận các cuộc gặp phỏng vấn xin thị thực không hẹn trước. Thay vì thế, các thành viên băng nhóm điều hành tòa đại sứ giả lái xe đến những khu vực xa xôi ở các quốc gia Tây Phi để tìm khách hàng. Sau đó, chúng đưa khách hàng đến Accra và thuê phòng cho họ ở một khách sạn gần đại sứ quán giả. Cũng chính băng nhóm tội phạm Ghana sẽ đưa đón các nạn nhân từ khách sạn đến đại sứ quán giả", thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ nghi ngờ những tên tội phạm điều hành đại sứ quán giả có thể đã đút lót tiền cho các quan chức tham nhũng để họ "làm ngơ". Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay "khi lực lượng đặc nhiệm đột kích đại sứ quán giả, họ đã bắt giữ vài nghi phạm" và "một số nghi phạm khác vẫn chưa bị bắt". Cảnh sát Ghana đã phát lệnh truy nã những nghi phạm lọt lưới. Trong vụ đột kích, nhà chức trách thu giữ 150 hộ chiếu từ 10 nước.

6.000 USD cho mỗi thị thực giả

manh-nghe-cua-bang-nhom-lap-toa-dai-su-my-dom-suot-10-nam-2

Các hộ chiếu và giấy tờ mà cảnh sát Ghana thu giữ tại đại sứ quán Mỹ giả ở Accra, Ghana. Ảnh: US State Department

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về các vụ bắt giữ vào ngày 2/11 nhưng theo phóng viên Thomas Naadi từ BBC, thường trú ở Accra, các vụ bắt giữ trên diễn ra từ hồi tháng 6.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một người cung cấp tin đã báo cho các nhà điều tra về sự hiện diện của đại sứ quán Mỹ và đại sứ quán Hà Lan giả cùng lúc.

Song điều lạ lùng là thông tin này không được báo chí tiếp nhận cho đến ngày 2/12 khi trang tin ghanabusinessnews.com dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ việc. Ba ngày sau, các báo lớn mới đua nhau đưa tin. Tờ Washington Post giật tít: "Các thành viên băng đảng điều hành một đại sứ quán Mỹ giả mạo ở Ghana suốt 10 năm, treo cờ Mỹ và cấp thị thực với giá 6.000 USD".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay đại sứ quán Mỹ giả ở Accra cung cấp cho khách hàng "các thị thực hợp pháp mà chúng có được bằng cách thức gian lận" cũng như những thị thực giả, các giấy tờ nhận dạng giả, bao gồm giấy tờ ngân hàng, bằng cấp học tập, giấy khai sinh...

Bộ Ngoại giao Mỹ suy đoán những kẻ lừa đảo đã hối hộ các quan chức để có được những giấy tờ hợp pháp chưa ghi thông tin để sau đó điền thông tin khách hàng vào.

Theo bình luận viên Adelaide Arthur từ BBC, nhập cảnh vào Mỹ là giấc mơ lớn đối với nhiều người dân Ghana vì họ tin rằng đây là cơ hội để họ cuộc sống tốt hơn. Bị từ chối cấp thị thực có thể là điều tuyệt vọng nhất đối với những người đang ôm mộng đặt chân đến Mỹ và điều này khiến họ dễ rơi bẫy của những kẻ lừa đảo, Arthur giải thích.

Hồng Vân

VNExpress

đại sứ quán Mỹ giả, Ghana, Tây Phi


© 2021 FAP
  3,127,970       6/1,167