Thế giới

Nữ điệp viên một chân khiến mật vụ phát xít Đức bó tay

Phát xít Đức coi Virginia Hall Goillot là gián điệp nguy hiểm cần thủ tiêu, nhưng luôn thất bại trong việc truy bắt, bất chấp việc bà chỉ có một chân.

nu-diep-vien-mot-chan-khien-mat-vu-phat-xit-duc-bo-tay

Virginia Hall khi nhận huân chương sau chiến tranh. Ảnh: BBC.

Trong Thế chiến II, mật vụ phát xít Đức (Gestapo) truy nã ráo riết một nữ điệp viên được mô tả "nguy hiểm nhất phe Đồng minh, cần phải tìm và tiêu diệt". Đó là Virginia Hall Goillot, nữ anh hùng gián điệp trong Thế chiến II, từng cứu nhiều người thuộc phe Đồng minh, theo Smithsonianmag.

Virginia "Dindy" Hall Goillot sinh ngày 6/4/1906 ở Baltimore, Mỹ, trong một gia đình giàu có. Cô có sở thích nam tính như săn bắn và cưỡi ngựa. Lớn lên, cô thành thạo tiếng Pháp, Italy, Đức nhờ học ở đại học Radcliffe và Barnard danh giá. Năm 1931, Hall trở thành nhân viên Cơ quan lãnh sự Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan sau khi hoàn thành nghiên cứu ở châu Âu.

Một năm sau, cô tình cờ bắn vào chân trái mình trong một lần đi săn. Vết thương quá nặng buộc Hall phải cắt bỏ chân trái quá gối. Sau khi bình phục, cô sử dụng chân giả bằng gỗ và gọi đùa nó là "Cuthbert".

Cũng vì khuyết tật một chân nên Hall phải từ bỏ công việc ở Bộ Ngoại giao và chuyển đến Paris. Lúc này, các cuộc giao tranh nhỏ giữa Đức và Pháp nổ ra trước Thế chiến II. Hall tham gia đội hỗ trợ, trở thành lái xe cứu thương nơi tiền tuyến của quân đội Pháp.

Ngày 10/5/1940, Đức phát động cuộc xâm lược toàn diện, quân Pháp thất thủ hơn một tháng sau đó. Hall chuyển đến Anh, nơi cô kiếm được việc làm ở Đại sứ quán Mỹ.

Sống sót qua các trận tập kích đường không nhằm vào London, Hall quyết định tham gia vào cơ quan tình báo Anh (SOE). Cô được huấn luyện phá hoại, phương thức gián điệp, liên lạc và vũ khí từ tháng 1/1941. Trong quá trình hoạt động, Hall mang nhiều tên giả như Marie Monin, Germaine, Diane, Marie of Lyon, Camille và Nicolas, trong khi người Đức gọi cô là "quý bà khập khiễng".

Hall trở thành nữ gián điệp đầu tiên được SOE điều tới Pháp. Trong vòng hai năm, cô làm gián điệp ở Lyon dưới vỏ bọc là một cộng tác viên cho tờ New York Post. Sau khi Mỹ tham chiến, cô buộc phải ẩn mình. Hall tiếp tục công việc thêm 14 tháng, bất chấp khả năng bị tra tấn và giết chết nếu rơi vào tay người Đức.

Trong thời gian này, cô hỗ trợ việc thả dù cung cấp vũ khí, hàng tiếp tế và tài chính cho phong trào kháng chiến. Hall còn tham gia nhiệm vụ trinh sát, phá hoại, cũng như cứu hộ phi công Đồng minh bị bắn rơi, giúp họ ra khỏi nước Pháp hay giải cứu tù binh.

Dù treo thưởng với số tiền lớn, mật vụ Đức không thể nào bắt được Hall. Cô chỉ rời đi sau khi quân Đồng minh đổ bộ xuống Bắc Phi và quân Đức tràn vào nước Pháp. Để trốn thoát, cô phải đi bộ qua các ngọn núi Pyrennes để sang Tây Ban Nha. Đó là nhiệm vụ khó khăn với một người bị cụt chân, phải đi lại bằng chân giả trong mùa đông lạnh giá.

nu-diep-vien-mot-chan-khien-mat-vu-phat-xit-duc-bo-tay-1

Giấy tờ của Virginia Hall trước năm 1940. Ảnh: Alchetron.

Khi đến Tây Ban Nha, vì không có visa nên Hall bị tống giam vào nhà tù Figueres trong 6 tuần, trước khi được thả nhờ lãnh sự Mỹ can thiệp.

Ngày 10/3/1944, với sự chấp thuận của SOE, Hall gia nhập Phòng tình báo Chiến lược Mỹ (OSS), tổ chức tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Quay trở lại London, cô được huấn luyện trở thành liên lạc viên radio và trở lại vùng Haute-Loire của Pháp, nơi cô đóng giả làm một nhân viên bán sữa để che giấu thân phận. Hall luôn thay đổi địa điểm báo cáo về động thái chuyển quân của phát xít Đức để tránh bị mật vụ Gestapo phát hiện.

Trước khi cuộc đổ bộ ở Normandy diễn ra, Hall tổ chức phong trào kháng chiến địa phương nhằm phá hủy các cây cầu, tuyến đường sắt và tiền đồn quân sự để kéo sự chú ý khỏi bờ biển. Điều đó khiến phát xít Đức khó lòng phán đoán chính xác nơi cuộc đổ bộ thực sự diễn ra.

Ngày 26/8, quân Đức ở Le Chambon đầu hàng lực lượng của Hall ở miền nam nước Pháp. Ngày 4/12, Hall điều phối nhiệm vụ đặc biệt thả dù tiếp tế cho quân Đồng minh nhằm tiêu diệt sự phản kháng cuối cùng của Đức ở Pháp. Trong nhiệm vụ này, cô gặp trung úy Paul Goillot, một người Mỹ gốc Pháp, hai người cưới nhau vào năm 1950.

Ngày 25/9, thủ đô Paris được giải phóng. Hall được yêu cầu trở về quê nhà, nhưng cô từ chối và tình nguyện đến Áo để tiếp tục chiến đấu. Ngày 25/4/1945, cô tới Thụy Sĩ cùng các tình nguyện viên khác, chờ thời điểm thích hợp để đến nước Áo. Tuy nhiên, một tháng sau Đức đầu hàng, chiến dịch này bị hủy bỏ.

Virginia Hall là nữ thường dân duy nhất trong Thế chiến thứ hai được nhận Huân chương Chữ thập danh giá. Năm 1951, cô gia nhập CIA và làm việc cho đến khi nghỉ hưu năm 1966.

Tháng 12/2006, hơn 20 năm sau khi Hall qua đời, cô được đại sứ Anh và Pháp vinh danh tại lễ tưởng niệm ở Washington, Mỹ. Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac gửi thư gọi Hall là "người anh hùng thực sự của phong trào kháng chiến Pháp".

"Trong quãng thời gian ở Pháp, cô luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, luôn ý thức rõ được hậu quả của việc này. Hall là người phụ nữ có lòng dũng cảm phi thường", Peter Earnest, giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington, nhấn mạnh.

Xem thêm: Những chiến hạm hồi sinh từ tro tàn tại Trân Châu Cảng

Duy Sơn

VNExpress

nữ điệp viên, tàn tật, truy bắt, Đồng minh, phát xít Đức, một chân, Pháp


© 2021 FAP
  3,118,609       77/1,510