Thế giới

Vũ khí giúp Mỹ lấp khoảng trống nếu Trump loại bỏ tiêm kích F-35

Phát triển máy bay không người lái hay nâng cấp chiến đấu cơ lạc hậu là lựa chọn  giúp Mỹ lấp khoảng trống trong trường hợp dự án F-35 bị đình chỉ.

vu-khi-giup-my-lap-khoang-trong-neu-trump-loai-bo-tiem-kich-f-35

Máy bay F-35A của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây lên tiếng chỉ trích dự án tiêm kích tàng hình F-35 là quá đắt đỏ, với tổng chi phí lên tới hơn 1.000 tỷ USD, đồng thời đe dọa sẽ chấm dứt hoàn toàn chương trình trang bị máy bay này cho quân đội Mỹ. Chuyên gia quân sự Robert Faley của National Interest đã đưa ra 5 lựa chọn cho Lầu Năm Góc để tiếp tục duy trì ưu thế trên không của Mỹ trong trường hợp chương trình F-35 bị chấm dứt.

Chế tạo thêm tiêm kích F-22 Raptor

Thay vì tiếp tục phát triển F-35, Mỹ có thể tái khởi động dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-22. Đây là lựa chọn khả thi, bởi F-22 là nền tảng vũ khí đã chứng minh được hiệu quả của mình. Mỹ có nhiều kinh nghiệm để tiếp tục phát triển, nâng cấp các biến thể Raptor mới với tính năng vượt trội.

Tuy nhiên, việc này có chi phí rất đắt đỏ và không giải quyết được các vấn đề của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Nguyên nhân là F-22 không có biến thể tiêm kích hạm cho hải quân, cũng như không thể phát triển một phiên bản có thể cất hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ của thủy quân lục chiến.

Trên lý thuyết, khi dự án F-35 bị hủy bỏ, Không quân Mỹ có thể dựa vào F-22, còn Hải quân tiếp tục vận hành chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet, trong khi Thủy quân lục chiến phải chờ đợi F-35B. Mẫu F-35B gặp nhiều vấn đề nhất trong số này, cũng là tiêm kích có chi phí đắt đỏ nhất.

Dòng F-22 vẫn còn tồn tại một số vấn đề dài hạn. Không quân Mỹ chưa bao giờ coi đây là nền tảng tấn công mặt đất và mặt biển lý tưởng. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu tiêm kích F-22, làm phát sinh nhiều vấn đề ngoại giao nếu dự án F-35 bị chấm dứt.

Phát triển máy bay không người lái (UAV)

Sự phát triển của công nghệ UAV và học thuyết đi kèm là tiêu điểm của ngành hàng không thế giới. Mỹ đã tăng cường đáng kể việc sử dụng máy bay không người lái so với 15 năm trước. UAV đã đảm nhận nhiều vai trò như trinh sát, yểm trợ mặt đất, đánh chặn và tấn công tầm xa.

Rào cản lớn nhất với UAV là vấn đề tác chiến không đối không. Hiện nay UAV chưa thể thực hiện tốt vai trò này do tốc độ thấp, khả năng cơ động kém, không có nhiều hệ thống cảm biến để đối phó với các tiêm kích hiện đại.

Một vấn đề nữa là dù UAV có thể hoạt động độc lập, liên kết dữ liệu giữa máy bay với người điều khiển có thể bị đối phương can thiệp. Chúng sẽ dễ dàng bị tiêu diệt khi liên kết này bị ngắt.

Nâng cấp dàn chiến đấu cơ cũ

Mỹ có dàn chiến đấu cơ hiện đại và nền công nghiệp quốc phòng đủ sức cho ra mắt các mẫu tiêm kích mới, nên việc nâng cấp các nền tảng lạc hậu là lựa chọn đáng xem xét. Các phiên bản của dòng tiêm kích Su-27 do Nga chế tạo thường được xem là mối đe dọa chủ yếu với máy bay thế hệ 5 của Mỹ, dù chúng được phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh.

Hải quân Mỹ và Không quân Mỹ cũng có thể nâng cấp các phi đội tiêm kích ở mức độ nhất định. Những biến thể F-16 hiện đại (F-16E/F block 50/52) khác rất nhiều so với bản gốc F-16A. Hãng Boeing cũng đã phát triển mẫu F-15SE và F/A-18E/F tích hợp công nghệ giảm độ bộc lộ radar.

vu-khi-giup-my-lap-khoang-trong-neu-trump-loai-bo-tiem-kich-f-35-1

Phiên bản F-15SE do Boeing phát triển. Ảnh: Airheadsfly.

Khả năng phát triển tiêm kích F-15SE và F/A-18E/F vẫn còn bỏ ngỏ, dù chúng có tiềm năng lớn để lấp đầy khoảng trống trước khi tiêm kích thế hệ 6 ra mắt. Rào cản lớn nhất là khung thân của chúng đã già cỗi, khiến việc tiếp tục sử dụng sẽ rất tốn kém, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Phát triển tiêm kích thế hệ 6

Một lựa chọn khác là loại bỏ hoàn toàn tiêm kích thế hệ 5, trừ những chiếc F-35 và F-22 đã sản xuất, tập trung phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Đây là loại máy bay được ứng dụng công nghệ tàng hình, vận tốc siêu thanh, có khả năng kết nối mạng, trang bị vũ khí laser và không có người lái.

Một số các nước trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Pháp đều đã tìm hướng phát triển tiêm kích thế hệ 6, lựa chọn được đánh giá là khả thi trong thập kỷ tới.

Việc loại bỏ tiêm kích thế hệ 5 để phát triển thế hệ mới hơn có thể khiến Mỹ suy giảm tiềm lực quân sự trong một thời gian nhất định, nhưng tránh được kịch bản trang bị cho không quân và hải quân số lượng lớn tiêm kích F-35, vốn được cho là không đủ uy lực.

Mua tiêm kích nước ngoài

Trên lý thuyết, Mỹ có thể mua các tiêm kích Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon hay Saab Gripen để lấp đầy khoảng trống năng lực. Ngoại trừ mẫu Hawker Harrier, Mỹ chưa từng mua loại tiêm kích nước ngoài nào với số lượng lớn kể từ Thế chiến I.

Để làm được điều này, Mỹ cần được cấp giấy phép lắp ráp và sản xuất trong nước. Việc này đặt Mỹ vào vị thế không thoải mái, khi phải yêu cầu hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các đồng minh châu Âu.

Lợi thế là không quân và hải quân sẽ nhận được các loại khí tài đã được chứng minh năng lực, có khung thân mới hơn nhiều so với các tiêm kích cũ của họ. Chúng cũng sở hữu có tiềm năng nâng cấp đáng kể với giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, Farley cho rằng các phương án trên đều bộc lộ những điểm hạn chế, khiến chương trình F-35 khó có khả năng bị đình chỉ bất chấp những lời đe dọa của Trump. Việc xóa sổ dự án cần dung hòa được lợi ích chính trị nội bộ của nước Mỹ, cũng như tránh được sự phản đối của các đồng minh, những nước đã đổ nhiều vốn liếng vào việc mua tiêm kích đa nhiệm này, ông nhấn mạnh.

Duy Sơn

VNExpress

Mỹ, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, máy bay, F-35, .tàng hình, Donald Trump


© 2021 FAP
  3,107,655       1/874