Một nước Mỹ trở nên thực dụng hơn, với định hướng tập trung vào các dự án kinh tế lớn, thể hiện sức mạnh trong chính sách ngoại giao là bức tranh được dự báo sau lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày mai. Ảnh: TVguide |
"Với chính sách đối nội, ông Trump và đội của mình có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau, những thay đổi có tính quyết định đang thực sự hiện dần lên. Tổng thống có thể hướng nhiều hơn vào chính sách năng lượng và khai thác năng lượng. Ông cũng có thể bổ nhiệm một ứng viên bảo thủ vào vị trí thẩm phán ở Tòa án tối cao Mỹ", giáo sư John Karaagac, Đại học Indiana, Mỹ, điểm một số vấn đề trong chính quyền mới của Mỹ khi trao đổi với VnExpress.
Đề cập tới một vấn đề tranh cãi khá căng thẳng gần đây giữa ông Trump và phe Dân chủ, Đạo luật chăm sóc sức khỏe (ACA) hay còn gọi là Obamacare, một di sản quan trọng của Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama, giáo sư Karaagac cho rằng ông Trump sẽ thay đổi chính sách y tế nhưng có thể không thay đổi hoàn toàn.
Quốc hội Mỹ hồi giữa tháng thông qua nghị quyết ngân sách, tạo ra khuôn khổ cho phe Cộng hòa bãi bỏ Obamacare. Tuy nhiên nghị quyết không nhận được sự ủng hộ từ phe Dân chủ ở cả lưỡng viện, dấu hiệu cho thấy hai đảng sẽ đối đầu căng thẳng trong thời gian tới.
Với chính sách đối ngoại, chuyên gia Mỹ Karaagac dự đoán Tổng thống sắp nhậm chức Trump có thể duy trì "chính sách xoay trục châu Á" mà Tổng thống Obama đã đặt nền tảng. Ông Trump cũng có thể đẩy mạnh việc xây dựng năng lực của hải quân, thực hiện các biện pháp "tái khởi động" quan hệ với Nga, và không can dự ở Trung Đông.
"Hiểu theo nghĩa rộng thì ông Trump sẽ tiếp tục các chính sách của chính quyền cũ nhưng đặt trọng tâm vào việc tăng cường sức mạnh. Ông ấy là một người có bản năng theo thuyết Duy thực, có đầu óc thực tế, không phải người theo chủ nghĩa quốc tế như ông Obama", ông Karaagac nói.
Góp thêm đánh giá về chính sách đối nội của ông Trump, Tiến sĩ Nancy Snow, Đại học Ngoại ngữ Kyoto, Nhật Bản, cho rằng tân Tổng thống có thể thực thi các rào cản với người nhập cư, một trong những định hướng chính sách ông đã đề cập.
"Bất kỳ điều gì đúng đắn theo chuẩn chính trị thì Trump sẽ không làm. Ông ấy là người không theo quy ước nào và khó đoán, vì thế việc dự báo về xu hướng tự do hay bảo thủ là điều không dễ dàng", bà Nancy nói.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Adam Sheingate, Đại học Johns Hopkins, việc dự báo chính sách của chính quyền mới dưới thời Trump là điều khó, vì ông Trump và nhiều người ông chọn trong nội các không có kinh nghiệm trong hoạt động của nhà nước hay kinh nghiệm về chính trị.
"Đang có một sự không chắc chắn lớn về chính sách của chính quyền mới ở Mỹ và ở các nước trên khắp thế giới", ông Sheingate nói.
Thách thức
Giáo sư John Karaagac cảnh báo tân Tổng thống Mỹ có thể chỉ hợp tác được với các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội, đặc biệt ở Hạ viện, ở ngắn hạn. Trong tương lai, họ khó có những hợp tác thực chất vì những khác biệt mang tính cá nhân.
"Cánh cửa cho hợp tác có thể chỉ là bây giờ, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các chương trình nghị sự giữa ông và phe Cộng hòa về lâu dài sẽ khác nhau", ông Karaagac nói.
Thêm vào đó, việc làm sao sửa Đạo luật Obamacare cũng là vấn đề cấp thiết với ông Trump. Tranh luận trong giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang gia tăng trong các phiên điều trần.
"Màn kịch chưa được vén lên. Hầu hết mọi người chỉ thấy vấn đề về cá tính của ông Trump, nhưng xung đột thực sự là về chính sách, hãy nhìn vào các phiên điều trần ở Quốc hội", ông Karaagac nói.
Việt Anh
Donald Trump, Tổng thống Mỹ đắc cử, lễ nhậm chức, chính sách, Obamacare, kinh tế, người nhập cư, hải quân