Thế giới

Nỗi lo của người Hàn sống tại nơi lắp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Người dân tại ngôi làng được chọn làm nơi triển khai THAAD lo sợ họ sẽ nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên.

noi-lo-lang-cua-ngoi-lang-han-quoc-duoc-chon-lam-noi-trien-khai-thaad

Trang thiết bị để triển khai THAAD được chuyển tới Seongju. Ảnh: Reuters 

Chỉ mất vài giờ để biến Seongju từ một ngôi làng làm nông ở chân đồi của Hàn Quốc thành một biểu tượng của sức mạnh quân đội Mỹ chống lại Triều Tiên, theo Guardian.

Đây là nơi Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đề phòng tên lửa Triều Tiên. Động thái này là chủ đề bao trùm những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống tại Hàn Quốc, khiến quan hệ giữa Seoul với Bắc Kinh căng thẳng và gây nghi ngờ về sự khôn ngoan của Donald Trump khi quyết định dừng "sự kiên nhẫn chiến lược" đối với Bình Nhưỡng.

noi-lo-lang-cua-ngoi-lang-han-quoc-duoc-chon-lam-noi-trien-khai-thaad-1

Vị trí của Seongju. Đồ họa: Guardian

"Hãy nhìn xem nơi này đẹp như thế nào", Baek Gwang-soon, một cụ bà ngoài 70 tuổi ở Seongju, nói. "Vài tuần trước tôi còn không biết THAAD là cái gì mà bây giờ nó ở ngay trước cửa nhà chúng tôi".

Người dân Seongju cảm thấy lo lắng. Ngoài lo ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ radar từ THAAD đối với họ và vụ mùa dưa, nhiều người còn cho rằng việc triển khai khiến họ nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên.

"Chúng tôi lo lắng rằng chúng tôi giờ là mục tiêu của Triều Tiên", lãnh đạo địa phương tại Seongju, Lee Seok-joo, nói. "Nhưng cũng có yếu tố chính trị mạnh mẽ trong tất cả những điều này. Để có được lá phiếu họ cần, các ứng viên tổng thống phải lấy lòng cử tri bảo thủ và điều đó có nghĩa là không công khai phản đối THAAD", ông nhận xét.

noi-lo-lang-cua-ngoi-lang-han-quoc-duoc-chon-lam-noi-trien-khai-thaad-2

Cách hoạt động của THAAD. Đồ họa: Reuters (Click vào hình để xem chi tiết)

Tuy nhiên, việc triển khai THAAD cũng không phải được hoàn toàn hoan nghênh tại Seoul, cách Seongju 250 km về phía tây bắc.

Cho Eun-hye, một công chức 21 tuổi, bật cười khi được hỏi liệu cô có lo sợ về một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên.

"Thay vì để cho người Mỹ triển khai THAAD, tôi muốn thấy Hàn Quốc nỗ lực thực sự để làm việc với Triều Tiên", cô nói. "Việc đó có thể không khiến hai miền thống nhất nhưng ít nhất chúng ta sẽ có thể cùng nhau sống hòa bình".

Nhưng những người Hàn Quốc lớn tuổi, từng bầu cho các tổng thống bảo thủ Park Geun-hye và người tiền nhiệm Lee Myung-bak, ít lạc quan hơn.

Ông Kwon Ki-hwan 12 tuổi khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. "Thế hệ chúng tôi lo lắng hơn về an ninh quốc gia vì chúng tôi biết chiến tranh như thế nào", ông nói. "Tôi đã trực tiếp nhìn thấy chiến tranh, vì vậy, tôi ủng hộ bất cứ ai đặt vấn đề an ninh lên trước tiên, bao gồm cả việc triển khai THAAD".

Người dân ở Seongju đã biểu tình và còn đụng độ với cảnh sát để phản đối việc triển khai THAAD. Nhiều người Seongju còn đến Seoul để giơ những biểu ngữ như "Không THAAD. Không chiến tranh", và "Này Mỹ, các anh là bạn hay quân chiếm đóng?".

Dân Hàn Quốc đụng độ với cảnh sát ở nơi lắp THAAD

Ngay cả ông Ki-hwan, người ủng hộ việc triển khai THAAD, cũng bày tỏ lo ngại. "Tất nhiên tôi muốn chúng ta có hòa bình thông qua các cuộc đàm phán, nhưng việc đó để cho các chính trị gia quyết định. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là một ngày nào đó chúng ta sẽ có một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai. Nó có thể được gây ra bởi một quyết định của Mỹ, nhưng nạn nhân sẽ là người Hàn Quốc".

Phương Vũ

VNExpress

THAAD, lo lắng, tên lửa, Hàn Quốc, Triều Tiên, phòng thủ tên lửa, Mỹ, đánh chặn tên lửa


© 2021 FAP
  3,004,907       1/771