Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng quả tên lửa bay cao 2.000 km của Triều Tiên có tầm bắn 6.000 km, có thể vươn tới lãnh thổ Hawaii của Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên bay từ khu vực phía tây rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Ảnh: NHK |
Triều Tiên sáng nay bất ngờ phóng một quả tên lửa từ khu vực gần Kusong, tỉnh Bắc Pyongan ở phía tây nước này, bay được 30 phút rồi rơi xuống khu vực nằm giữa bờ biển phía đông Triều Tiên và Nhật Bản.
Trong khi Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng quỹ đạo của quả tên lửa này "không phù hợp với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết quả tên lửa của Triều Tiên đạt đến độ cao 2.000 km, bay được 700 km trước khi rơi xuống biển. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng đây là một loại tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới của Triều Tiên, có tầm bắn xa hơn các loại tên lửa mà nước này đã thử trước đây, theo Washington Post.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sáng nay cho biết Tokyo vẫn đang nỗ lực phân tích loại tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa phóng, nhấn mạnh rằng thời gian bay 30 phút của nó lâu hơn nhiều so với các vụ phóng tên lửa đạn đạo trước đây của Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo Taepodong-2 được Triều Tiên dùng để phóng vệ tinh hồi tháng 2 năm ngoái chỉ bay được 14 phút, dù nó đã đạt được khoảng cách 2.500 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Kim Dong-yub, giảng viên Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, nhận định dựa theo quỹ đạo bay của quả tên lửa, nó sẽ có tầm bắn khoảng 6.000 km, có nghĩa là nó có thể vươn tới quần đảo Hawaii của Mỹ.
Một tên lửa được coi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khi nó có tầm bắn hơn 6.000 km. Để bắn được tới Bờ Tây của nước Mỹ, quả tên lửa Triều Tiên phải có tầm bắn tối thiểu 8.000 km.
David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu UCS và là một chuyên gia về tên lửa, cũng nhận định nếu quả tên lửa này bay được 30 phút trước khi rơi xuống biển, tầm bắn của nó "xa hơn đáng kể" so với bất cứ loại tên lửa nào khác trong kho vũ khí của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Wright cho rằng nếu quả tên lửa được bắn theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tầm bắn tối đa chỉ khoảng 4.500 km. Tầm bắn này lớn hơn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung mà Triều Tiên phóng thử trước đây, chứng tỏ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ nhất định.
Tên lửa đạn đạo bí ẩn xuất hiện trong lễ duyệt binh của Triều Tiên ngày 15/4. Ảnh: Reuters |
"Tầm bắn này xa hơn nhiều so với tầm bắn ước tính 3.000 km của tên lửa Musudan được Triều Tiên phóng thử năm ngoái", ông nói. Tên lửa có tầm bắn như vậy có thể đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, nằm cách Triều Tiên 3.400 km.
Wright cho rằng quả tên lửa đạn đạo vừa được Triều Tiên phóng thử chính là mẫu tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng mới đặt trên bệ phóng di động xuất hiện trong lễ duyệt binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng hôm 15/4.
Jonathan McDowell, chuyên gia tại Trung tâm Vật lý thiên văn Smithsonia Harvard, cũng cho rằng nếu thông tin quả tên lửa Triều Tiên đạt độ cao hơn 2.000 km là đúng, "đây có thể là một loại tên lửa mới có tầm bắn xa hơn". "Đây rõ ràng là điều rất đáng lo ngại", McDowell nói.
Dù cho rằng quả tên lửa đạn đạo mới này đánh dấu bước đột phá trong chương trình tên lửa của Triều Tiên, Wright cho rằng Bình Nhưỡng "vẫn gặp khó khăn lớn về kỹ thuật để đạt tới tầm bắn xuyên lục địa cho tên lửa".
Đồ họa: Heritage |
Shea Cotton, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin ở California, Mỹ, cho biết Triều Tiên đã thực hiện 10 vụ phóng thử tên lửa trong năm nay, nhiều hơn một vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Bình Nhưỡng đã thực hiện tổng cộng 76 vụ phóng tên lửa kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào tháng 12/2011.
"Với lần phóng được coi là thành công này, ông Kim đã có 59 vụ phóng thành công, 17 vụ thất bại, đạt tỷ lệ trung bình 77,6%", Cotton viết trên Twitter.
Việt Dũng
Triều Tiên phóng tên lửa, tên lửa đạn đạo