Thế giới

Triều Tiên có thể chủ định thử tên lửa trùng hội nghị ở Trung Quốc

Vụ thử tên lửa diễn ra đúng ngày Trung Quốc tổ chức diễn đàn ngoại giao cấp cao hôm 14/5 có thể là cách Triều Tiên tăng lợi thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.

tên lửa triều tiên

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo sớm 14/5, phủ bóng mây lên sự kiện ngoại giao lớn nhất năm của Trung Quốc và ngăn chặn các nỗ lực nối lại đàm phán về chương trình vũ khí của nước này, theo SCMP

Triều Tiên thử tên lửa chỉ vài giờ trước khi Trung Quốc bắt đầu Diễn đàn Vành đai và Con đường, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày về tầm nhìn của ông với vấn đề toàn cầu hóa trước các nhà lãnh đạo và đại biểu hàng chục quốc gia.

Các nhà quan sát nói vụ thử cũng thể hiện việc Bình Nhưỡng cố gắng tranh thủ thêm thời gian để phát triển công nghệ tên lửa và củng cố vị thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Tên lửa Triều Tiên được phóng lúc lúc 5h27 sáng 14/5, bay được 30 phút, đạt độ cao hơn 2.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. 

Trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập nói Trung Quốc và Nga đã cam kết có giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. 

Park Byeong-seung, người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham dự diễn đàn ở Bắc Kinh, có cuộc trao đổi ngắn với Kim Yong-jae, Bộ trưởng Quan hệ Ngoại thương Triều Tiên, theo Yonhap.

Đầu tuần trước, một phái đoàn Triều Tiên gặp nhóm các cựu quan chức và học giả Mỹ tại Na Uy, sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un "trong tình huống thích hợp". Người đứng đầu phái đoàn đàm phán hạt nhân của Bình Nhưỡng là ông Choe Son-hui cũng tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng trao đổi với Mỹ "nếu các điều kiện chín muồi".

Tôn Hưng Kiệt (Sun Xingjie), chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nắm bắt khoảng thời gian yên tĩnh trong căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để thúc đẩy chương trình vũ khí. 

"Trong thời điểm hoàn hảo, ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình vào những ngày này là tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, ông Donald Trump thì đang vướng vào vụ sa thải giám đốc FBI... không ai để ý đến ông Kim", ông Tôn nói. 

"Nếu các nước khác không hợp tác, Triều Tiên có lẽ sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này, vờ đối thoại trong khi tiến hành thêm nhiều vụ thử nghiệm".

Tuy nhiên, phó chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, ông Thái Kiến (Ca Jian), cho biết lần thử tên lửa này của Bình Nhưỡng dường như sẽ không gây ra đối đầu quân sự. 

"Trung Quốc đã nói rõ rằng giải pháp quân sự là không thể", ông Thái nói và cho biết Triều Tiên tới nay vẫn còn khoảng cách lớn để tạo ra mối đe dọa thực sự với lãnh thổ Mỹ. 

"Về cơ bản, Bình Nhưỡng muốn nắm giữ càng nhiều lợi thế càng tốt trước khi ngồi xuống bàn đàm phán", ông Thái nói.

Mặc dù Nhà Trắng kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, song Trung Quốc dường như sẽ không áp dụng thêm biện pháp nào với Bình Nhưỡng cho tới khi vụ thử hạt nhân lần thứ 6 diễn ra, ông Thái phân tích.

"Các vụ thử tên lửa về cơ bản khác với một vụ thử hạt nhân", ông Thái nói. 

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm qua cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân giám sát vụ phóng tên lửa. Tên lửa được phóng là mẫu Hwasong-12, bay quãng đường 787 km và đạt đến độ cao 2.111,5 km.

Vụ phóng thử "nhằm mục tiêu xác minh các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa đạn đạo mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn", theo KCNA.

Mô phỏng hành trình bay của tên lửa Triều Tiên:

VNExpress

căng thẳng Triều Tiên, Triều Tiên thử tên lửa, Triều Tiên phóng tên lửa, Diễn đàn Vành đai và Con đường


© 2021 FAP
  2,998,365       9/593