Lá chắn của Mỹ mới chỉ đạt tỷ lệ đánh chặn thành công 50% trong các cuộc thử nghiệm và chưa từng chặn lượng lớn tên lửa cùng lúc.
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa Hwasong-14.
Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 có tầm bắn có thể vươn tới Alaska của Mỹ. Nếu tuyên bố này của Bình Nhưỡng là xác thực, đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử thành công một vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Bắc Mỹ, đặt Washington vào mối đe dọa lớn chưa từng có.
Mỹ đang sở hữu át chủ bài đối phó ICBM Triều Tiên là Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại điểm yếu chí tử, có nguy cơ thất bại khi đánh chặn ICBM đối phương, theo National Interest.
GMD tập trung đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở ngoài tầng khí quyển, khi ICBM đã sử dụng hết nhiên liệu để đạt độ cao tối đa và chuẩn bị lao xuống mục tiêu. Cơ chế này cho phép GMD bảo vệ khu vực rộng như Bắc Mỹ, cũng như tăng thời gian đánh chặn lên tới 20 phút, thay vì chỉ vài chục giây như lá chắn giai đoạn cuối.
Hệ thống GMD bao gồm nhiều thành phần phân tán. Đầu tiên là cảm biến hồng ngoại lắp trên vệ tinh, có chức năng phát hiện chớp nhiệt sinh ra trong quá trình phóng ICBM. Chúng sẽ thông báo cho radar trinh sát mặt đất để theo dõi quỹ đạo tên lửa.
Trung tâm quản lý chiến đấu mặt đất sẽ thu thập dữ liệu từ mạng lưới cảm biến, chuẩn bị sẵn sàng các tên lửa đánh chặn. Các quả đạn sẽ được lái tới mục tiêu bằng radar dẫn bắn hoạt động trên băng sóng X. Radar này đang được lắp trên một tàu bán nổi có kích thước 115x85 m.
Đạn đánh chặn là tên lửa đa tầng, dùng nhiên liệu rắn dài 18 m, có thể tiếp cận ICBM với vận tốc 23.400 km/h. Khi tầng đẩy sử dụng hết nhiên liệu, đầu đạn động năng (EKV) sẽ tách ra, tự điều hướng bằng động cơ đẩy tích hợp. EKV ứng dụng phương thức tiêu diệt bằng động năng, giúp thu nhỏ kích thước đầu đạn và ngăn chặn nguy cơ nổ thứ cấp. Tuy nhiên, nó cần độ chính xác cực cao để đảm bảo đâm trúng ICBM, do không có hiệu ứng nổ và văng mảnh như đầu đạn truyền thống.
Phương thức đánh chặn của hệ thống GMD.
Tuy nhiên, Washington được cảnh báo không nên quá tự tin khi hệ thống này chỉ có khả năng chống lại số lượng rất ít đầu đạn cùng lúc. Các tên lửa đánh chặn hiện cũng chỉ đánh trúng một nửa số mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm.
Các chuyên gia cho rằng GMD chỉ phát huy hiệu quả trước những quốc gia sở hữu kho tên lửa đạn đạo hạn chế như Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã có nhiều bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển ICBM, nhưng vẫn chưa đủ số lượng để áp đảo GMD.
Vấn đề là hệ thống GMD chưa thể hiện được độ chính xác và tin cậy cần thiết trong các cuộc thử nghiệm. Trong tổng cộng 17 lần đánh chặn từ năm 1996 đến nay, GMD mới chỉ có 9 lần thành công, tương đương tỷ lệ 53%.
Nhiều thử nghiệm đánh chặn thất bại bắt nguồn từ lỗi cơ khí hoặc phần mềm, vốn có thể được khắc phục để tăng tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, Mỹ chưa có kế hoạch nâng cấp các đạn đánh chặn thế hệ trước, trong khi đạn đánh chặn thế hệ mới chưa được thử nghiệm đầy đủ.
Sau 20 năm phát triển, Mỹ đã tiêu tốn gần 41 tỷ USD cho chương trình GMD, với mỗi tên lửa đánh chặn có giá ước tính khoảng 75 triệu USD.
Philip E. Coyle, học giả cấp cao Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, cho rằng lá chắn tên lửa Mỹ chưa đủ khả năng đánh chặn ICBM thực sự trong điều kiện chiến tranh. Các thử nghiệm từ trước tới nay đều được tiến hành trong điều kiện lý tưởng, chỉ có một tên lửa tiếp cận từ hướng biết trước, không sử dụng mồi bẫy hay các biện pháp đối phó. Nếu tên lửa đánh chặn thất bại trong điều kiện này, chúng sẽ còn hoạt động tệ hơn trên thực tế.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCTV. |
Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thậm chí còn khẳng định các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. "Khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ không chờ đến khi thời tiết đẹp mới phóng tên lửa", ông Coyle nói.
Hiện tại, đạn đánh chặn của GMD đang được đặt tại hai địa điểm, bao gồm 32 tên lửa ở căn cứ Greely, Alaska thuộc Tiểu đoàn phòng thủ tên lửa số 49 và 4 quả ở căn cứ Vandenberg, California trong Lữ đoàn phòng thủ tên lửa số 100. BMD dự kiến bổ sung 8 tên lửa trong năm nay, nâng tổng số đạn đánh chặn lên 44 quả.
Tỷ lệ thành công thấp buộc có thể khiến quân đội Mỹ phải phóng 4-5 tên lửa để đánh chặn một quả ICBM đối phương. Như vậy, với số lượng 44 tên lửa đánh chặn, hệ thống GMD sẽ không có nhiều cơ hội để bảo vệ lục địa Mỹ, Coyle nhấn mạnh.
Hòa Việt
GMD, điểm yếu chí tử, lá chắn tên lửa, Mỹ, Nga, ICBM