Tổng thống Mỹ yêu cầu thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự, biểu tình diễn ra khắp nước Mỹ để phản đối chính sách nhập cư của Trump.
Tổng thống Trump bên ngoài Nhà Trắng hồi tháng 6. Ảnh: AFP. |
"Đức cần chi nhiều tiền hơn. Tây Ban Nha, Pháp cũng vậy. Những gì họ làm với Mỹ là không công bằng", Reuters hôm qua dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu, chỉ hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các thành viên NATO đồng ý chi 2% GDP mỗi năm cho quốc phòng trước năm 2024, nhưng Đức và Tây Ban Nha nằm trong số những nước khó đạt mục tiêu này. Pháp có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự thêm 30% để đạt mục tiêu do NATO đề ra.
Hồi tháng trước, Trump cảnh báo những nước không đóng góp đủ cho NATO "sẽ bị xử lý", trong đó Đức được cho là chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Người biểu tình xuống đường tại thủ đô Washington của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Cách họ đối xử với các gia đình, với những người nhập cư, đó không phải là nước Mỹ", Reuters dẫn lời một người tham gia biểu tình tại thủ đô Washington hôm qua. Hàng chục nghìn người đã cùng xuống đường khắp nước Mỹ để phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính sách này đã gây tranh cãi khi chia tách trẻ em khỏi cha mẹ nhập cư trái phép tại biên giới Mỹ - Mexico, cũng như đưa họ vào các trại tập trung do quân đội xây dựng. Bên ngoài Nhà Trắng, người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ và hô khẩu hiệu phản đối. Các lãnh đạo tôn giáo và nhà hoạt động hối thúc chính quyền Trump có thái độ cởi mở hơn với người nước ngoài, đồng thời đoàn tụ những gia đình bị chia cắt.
Thiết kế tàu hộ vệ lớp Type-26 được giới thiệu năm ngoái. Ảnh: BAE Systems. |
Tập đoàn BAE Systems của Anh đã đánh bại các đối thủ từ Tây Ban Nha và Italy để giành hợp đồng đóng 9 tàu hộ vệ chống ngầm hiện đại cho hải quân Australia. Với tổng trị giá 35 tỷ USD, đây là chương trình chế tạo tàu chiến lớn nhất trong thời bình của Australia, theo BBC.
Các tàu chiến này được phát triển trên nền tảng dự án Type-26 của Anh, dự kiến khởi đóng từ năm 2020 và đưa vào biên chế trước năm 2030. Chúng sẽ thay thế các tàu hộ vệ lớp Anzac được trang bị cho hải quân Australia từ năm 1996, tạo thành xương sống cho lực lượng tác chiến trên biển của nước này trong tương lai.
Điểm tập kết cứu hộ trong lòng hang Tham Luang. Ảnh: AFP. |
Lực lượng cứu hộ hôm qua tiến sâu thêm nhiều km vào hang động bị ngập nước, nơi 12 cầu thủ thiếu niên và một huấn luyện đã mắc kẹt suốt tuần qua, mang lại hy vọng cho cuộc giải cứu, Telegraph đưa tin.
Thống đốc tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn cho biết thợ lặn hải quân Thái Lan đã tới được khu vực giao cắt có thể cách đội bóng này khoảng hai km. Lực lượng cứu hộ đã tới vị trí này hồi giữa tuần nhưng phải quay lại do dòng nước quá mạnh. Các thợ lặn đã cài sẵn nhiều bình oxy dọc lòng hang để kéo dài thời gian hoạt động dưới nước.
Phần càng bị gãy (khoanh đỏ) của chiếc Boeing 777. Ảnh: Yonhap. |
Một máy bay chở khách Boeing 777-300 của Korean Airlines gặp sự cố sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản hôm 29/6. Phi cơ bị gãy càng đáp phía sau trong lúc di chuyển tới vị trí đỗ, buộc nó phải nằm trên đường lăn của sân bay để chờ sửa chữa, Yonhap đưa tin.
Sự cố khiến 319 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn ngồi chờ 90 phút. Nhà chức trách sân bay sau đó phải điều xe thang tới để giúp hành khách rời máy bay.
Hai cổ động viên tấn công một người khác sau trận thua trước Pháp. Ảnh: TASS. |
Một nhóm cổ động viên Argentina nổ ra ẩu đả sau trận thua sát nút trước Pháp hôm qua, Mirror đưa tin. Hai khán giả đã xảy ra tranh cãi và đánh nhau, bất chấp sự can ngăn từ những người xung quanh.
Quá trình phóng và rơi ngược trở lại của tên lửa Momo-2. Ảnh: RT. |
Tên lửa thử nghiệm Momo-2 do một công ty Nhật Bản phát triển gặp sự cố động cơ trong buổi phóng hôm 30/6, khiến nó chỉ bay được vài giây trước khi rơi trở lại mặt đất. Tên lửa phát nổ và làm hư hại bệ phóng.
Nhà sản xuất cho rằng vụ cháy sau sự cố quá nguy hiểm cho lực lượng cứu hỏa, buộc họ để ngọn lửa phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng tại khu vực bệ phóng. Chỉ có một số bộ phận của tên lửa được thu hồi sau vụ nổ.
Tiêm kích Su-57 bay qua Quảng trường Đỏ hôm 9/5. Ảnh: Sputnik. |
"Hợp đồng mua 12 máy bay Su-57 đầu tiên sẽ sớm được ký, quá trình bàn giao sẽ diễn ra sau đó không lâu", Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko phát biểu hôm qua.
Tiêm kích tàng hình Su-57 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010. Dòng máy bay này từng được không quân Nga triển khai tới Syria để thử nghiệm và dự kiến biên chế vào năm sau.
Thế giới ngày 1/7: Trump hối thúc các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng - VnExpress