TTO - Không chỉ nổi tiếng với loại thảm Tabriz đẹp như một kiệt tác nghệ thuật, người dân Tabriz còn tự hào về vùng đất gần 3.000 năm lịch sử với các dấu tích gợi nhớ những giai đoạn thăng trầm của một dân tộc quật cường.
Một góc Tabriz - Ảnh: KIM NGÂN |
Tabriz thủ phủ tỉnh Đông Azerbaijian là thành phố lớn thứ năm của Iran. Nằm ở độ cao 1.350m nơi ngã ba sông Quru và Aji giao nhau, Tabriz có vị trí giao thương khá thuận lợi, từng là thành phố lớn thứ hai của Iran cho đến tận cuối thập niên 1960 vốn được vị thái tử dưới triều đại Qajar chọn làm nơi sinh sống.
Vùng đất của ZaratushtraVới hơn 1,7 triệu dân, khí hậu mùa đông lạnh, mùa hè ôn đới nên Tabriz là địa điểm nghỉ mát lý tưởng vào mùa hè.
Không chỉ nổi tiếng với loại thảm đẹp tuyệt do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm ra và các nghề thủ công khác mà Tabriz còn là một trong những trung tâm sản xuất và công nghiệp nặng của Iran như công nghiệp ôtô, hóa dầu, sản xuất ximăng…
Bước vào ngôi nhà nào, đập ngay vào mắt du khách cũng là tấm thảm khổng lồ trên sàn nhà với những hoa văn tuyệt đẹp, đầy sắc thái.
Với lịch sử phong phú gần 3.000 năm,Tabriz có khá nhiều di tích lịch sử, nhưng các trận động đất và những cuộc xâm lược thường xuyên đã gây thiệt hại đáng kể lên cảnh quan khu vực.
Rất nhiều di tích có từ thời Ilkhanid, Safavid và Qajar tha hồ cho du khách khám phá. Riêng khu vực khai quật và bảo tàng trong thành phố có nguồn gốc từ 2.500 năm trước, do đó Tabriz được coi như là một trong những thành phố cổ nhất của Iran.
Một ngõ hẻm mát rượi trong thành phố Tabriz - Ảnh: KIM NGÂN |
Tấm thảm khổng lồ trong bảo tàng của tòa tháp Đồng hồ - Ảnh: KIM NGÂN |
Là vùng đất của đền thờ Azargoshnasp, đền lửa của hoàng đế và quý tộc, Tabriz còn được cho là nơi sinh ra nhà lãnh đạo tôn giáo Zaratushtra, người sống trước chúa Jesus hơn 500 năm, mà triết gia nổi tiếng người Đức Friedrich Nietzsche đã viết trong tác phẩm Zaratushtra đã nói như thế.
Hẳn không ít người còn nhớ trong cuốn sách triết học kinh điển này, Zaratushtra từng nói "Mọi cái ra đi, mọi cái quay trở lại; chỉ có bánh xe của sự tồn tại là vĩnh viễn quay vòng...".
Những dấu ấn 3.000 năm lịch sử
Đến Tabriz nhất định không thể bỏ qua những nơi ghi dấu ấn riêng cho thành phố mà chắc chắn sẽ khiến du khách ngẩn ngơ về quá khứ kỳ bí của vùng đất này.
Tòa tháp Sa’at (tòa tháp Đồng hồ) còn được biết đến như Cung điện Hội đồng thành phố Tabriz (Tabriz Municipality Palace) từng là hội trường thành phố và văn phòng của chính quyền.
Được xây dựng vào năm 1934 với kiểu kiến trúc mang dáng dấp phương Tây khá lạc lõng giữa những thánh đường đặc trưng của vùng đất Hồi giáo, hiện nay tòa tháp là bảo tàng mở cửa thường xuyên đón du khách tìm hiểu về lịch sử.
Tòa tháp Đồng hồ - Ảnh: KIM NGÂN |
Một thánh đường Hồi giáo nhỏ với hai tòa tháp cao nổi bật - Ảnh: KIM NGÂN |
Kabud - thánh đường Blue - rất đúng như cái tên gọi của mình. Những bức tranh tường đã bị tàn phá theo thời gian nhưng vẫn có thể nhận ra được đường nét trang trí nổi bật màu xanh lam. Những bức họa đặc biệt trên tường đầy bí ẩn, chạm khắc tinh vi nghệ thuật như vẻ đẹp ma mị của loại thảm Tabriz nổi tiếng.
Được xây dựng từ năm 1465, đây là một trong những thánh đường đẹp nhất thời bấy giờ. Sau khi hoàn thành, các nghệ sĩ phải dành thêm 25 năm nữa chỉ để trang trí mặt tiền tòa nhà với các loại gạch sành màu xanh và thư pháp.
Dù may mắn nguyên vẹn trong trận động đất tồi tệ nhất vào năm 1727 nhưng nó lại bị tàn phá trong trận động đất tiếp theo 1773. Thành phố Tabriz bị phá hủy nên chính quyền để mặc thánh đường Blue đổ nát cho đến tận năm 1951 mới tu sửa.
Bảo tàng Thời đại đồ sắt nằm cách không xa thánh đường Blue. Trong quá trình tu sửa lại thánh đường ấy vào năm 1997, người ta đã phát hiện những bộ hài cốt người, động vật chôn cùng răng, sừng và đồ vật bằng kim loại có từ thời kỳ đồ sắt.
Tổ hợp nhà thờ Imamzadeh Hamzah, nơi cất giữ lăng mộ của Hamzah, con trai nhà lãnh đạo tinh thần hồi giáo dòng Shia, nhánh Twelver là Mūsā' al-Kādhim. Có lẽ thế nơi này mới có tên gọi là Imamzadeh, nghĩa là “con” hoặc hậu duệ của một lãnh tụ Hồi giáo.
Thành lũy Arg đang được trùng tu - Ảnh: KIM NGÂN |
Thành lũy Arg, hay Cổng Alishah, vốn là tàn tích của một lăng mộ lớn chưa hoàn thành có từ thế kỷ 14. Được xây dựng giữa những năm 1318-1339 trong thời đại Ilkhanate do người Mông Cổ cai trị.
Trong quá trình xây dựng mái của lăng mộ bị sập và việc xây dựng phải ngừng lại. Cho đến khi cuộc chiến tranh Nga - Ba Tư nổ ra vào năm 1804-1813, quân lính Nga đã tàn phá và chiếm Arg làm doanh trại.
El Goli (trước đây là Shah Goli), khu vườn đồi và công viên bao quanh một hồ nước nhân tạo trong khuôn viên 54.675m2. Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4km, đây là nơi không thể bỏ qua khi ghé thăm Tabriz.
Từ trên đồi cao, tôi phóng tầm mắt nhìn xuống thành phố ốc đảo lọt thỏm giữa những dãy núi sóng lượn màu sắc nhấp nhô và rồi nuông chiều bản thân tha hồ thư giãn giữa cây cối xanh mướt trong một mùa hè ở vùng đất Ba Tư huyền thoại.
Bên dưới kia, hồ nước mát lành được xây dựng từ triều đại vua Aq Qoyunlu, sau đó mở rộng vào thời Safavids.
Một góc công viên Shah Gholi - Ảnh: KIM NGÂN |
Góc thư giãn bên đường - Ảnh: KIM NGÂN |
Đi dạo trong thành phố, nhất định không thể bỏ qua khu trung tâm thương mại, đó là khu tổ hợp chợ rộng lớn Tabriz Historic Bazaar được xếp vào di sản thế giới, với nhiều mặt hàng phong phú.
Kiến trúc độc đáo từ những năm cuối triều đại Zand (1750-1779 sau Công nguyên) theo kiểu chợ xen kẽ nhà hàng, nhà thờ, trường học tôn thêm vẻ đẹp cho nơi này.
Đến đây, ngắm những tấm thảm nghệ thuật và các món trang trí tinh xảo do bàn tay nghệ nhân Tabriz khéo léo đẽo gọt ai cũng dễ bị hút hồn.
Ngước nhìn những mái vòm cổ kính kiêu sa của các nhà thờ nhuộm màu xanh ngọc được bầu trời thiên thanh trìu mến ôm lấy và dưới mặt đất kia là những chiếc chador đen bí ẩn của các tín đồ Islam cùng với chiếc bóng của họ đang di chuyển chậm rãi trên đường, bất giác tôi tự nói thầm với chính mình: "Kẻ đến, người đi; chỉ có lịch sử của Tabriz là vĩnh viễn quay vòng…”.
Tổ hợp chợ Tabriz Historic Bazaar - Ảnh: KIM NGÂN |
Trong tổ hợp chợ - Ảnh: KIM NGÂN |
Một cậu bé đùa nghịch với bức tượng người đàn ông bán hàng rong - Ảnh: KIM NGÂN |