TTO - Đảo Phục Sinh là một phần lãnh thổ của Chile, thu hút du khách nhờ cảnh đẹp hoang sơ và những bức tượng Moai đầy bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Đảo Phục Sinh, Chile
Đảo Phục Sinh có diện tích khoảng 165km2, nằm ở phía nam Thái Bình Dương, cách bờ biển phía tây của Chile khoảng 3.700km và cách 4.000km về phía đông của Tahiti.
Hòn đảo này được gọi là Rapa Nui, theo ngôn ngữ của người Polynesia sống trên đảo, hay Paaseiland (trong tiếng Tây Ban Nha), được nhà thám hiểm người Hà Lan, đô đốc hải quân Jacob Roggeveen phát hiện vào năm 1772 đúng ngày lễ Phục sinh.
Đây cũng là một phần lãnh thổ của Chile kể từ cuối thế kỷ 19, và kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch.
Những người đầu tiên đặt chân lên đảo Phục Sinh được cho là một nhóm cư dân Polynesia vượt đại dương từ quần đảo Marquesa vào khoảng năm 300-400 trước Công nguyên.
Vị trí được cho là nơi vua Rapa Nui đệ nhất, Hoto-Matua lần đầu neo thuyền chính là khu vực Anakena, hiện nay là một trong những bãi biển hiếm hoi của hòn đảo vốn gập ghềnh đá.
Đảo Phục Sinh được nhiều du khách biết đến nhờ khoảng 900 bức tượng khổng lồ bằng đá cổ xưa được gọi là "Moai", phân bổ rải rác trên đảo.
Thông qua các bức tượng, du khách có thể thấy được tài năng của những người sáng tạo ra chúng, họ chính là những thợ thủ công, kỹ sư bậc thầy của nền văn hóa Polynesia.
Tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh vẫn luôn là một bí ẩn đối với nhân loại. Đã có rất nhiều suy đoán về mục đích tạo ra các bức tượng "Moai", cách thức xây dựng và vai trò của các bức tượng này trong nền văn minh Rapa Nui trên đảo Phục Sinh từ hàng trăm năm trước.
Đến tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn đau đầu trước những câu hỏi về ý nghĩa và làm thế nào để di chuyển những bức tượng khổng lồ đi khắp hòn đảo.
Moai chính là bằng chứng lớn nhất cho một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ của những người Rapa Nui trong quá khứ.
Chúng được tìm thấy ở nhiều địa điểm rải rác quanh đảo, với chiều cao trung bình 4m, trọng lượng lên tới 13 tấn, được tạc từ đá nguyên khối tạo thành từ tro núi lửa và đặt trên bệ đá được gọi là "ahus".
Qua khai quật khảo cổ trên đảo Phục Sinh, các nhà nghiên cứu nhận thấy có ba giai đoạn văn hóa riêng biệt đã từng phát triển trên đảo bao gồm: "giai đoạn đầu" (700-850 trước Công nguyên), "giai đoạn giữa" (1050-1680) và "giai đoạn cuối" (sau năm 1680).
Giữa giai đoạn đầu và giữa, các bằng chứng cho thấy rất nhiều bức tượng moai bị phá hủy phần đầu và được làm lại với kích thước lớn hơn và nặng hơn.
Trong "giai đoạn giữa", các bệ đá "ahus" được sử dụng làm hầm mộ để chôn cất những nhân vật quan trọng của bộ tộc sau khi chết.
Bức tượng lớn nhất được tìm thấy trong "giai đoạn giữa" có chiều cao gần 10m và nặng khoảng 82 tấn.
"Giai đoạn cuối" của nền văn minh với đặc trưng là các cuộc nội chiến, rất nhiều bức tượng bị lật đổ và phá hủy.
Du khách châu Âu đầu tiên biết đến sự tồn tại của đảo Phục Sinh là nhà thám hiểm, đô đốc hải quân người Hà Lan Jacob Roggeveen. Ước tính số người Rapa Nui bản địa sinh sống trên đảo vào thời điểm này khoảng 3.000 người.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó dân số của đảo Phục Sinh bị suy giảm mạnh sau cuộc nội chiến, ước tính chỉ còn lại từ 600-700 nam giới và chưa tới 30 phụ nữ.
Tính đến năm 1877, số người Rapa Nui còn sót lại là 111 người sau một loạt biến cố về nô lệ cũng như dịch bệnh. Năm 1888, Chile chính thức sáp nhập đảo Phục Sinh là một phần lãnh thổ.
Tổng thể, đảo Phục Sinh có hình dạng của một tam giác, được tạo thành từ một loạt các vụ phun trào núi lửa với khí hậu cận nhiệt đới (nắng và khô) và thời tiết tương đối ôn hòa. Ngoài địa hình với nhiều đồi núi hiểm trở, hòn đảo còn sở hữu trong mình nhiều hang động ngầm dẫn tới các miệng núi lửa.
Núi lửa lớn nhất trên hòn đảo được gọi là Rano Kao, và điểm cao nhất thuộc đỉnh Terevaka với độ cao 600 m so với mực nước biển.
Đảo Phục Sinh không có bến cảng tự nhiên, tuy nhiên tàu thuyền có thể neo đậu ngoài khơi bờ biển phía tây, gần với Hanga Roa, ngôi làng lớn nhất hòn đảo, với dân số ước tính vào khoảng 3.300 người.
Năm 1995, đảo Phục Sinh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Người dân trên đảo sử dụng tiếng Tây Ban Nha làm ngôn ngữ chính thức, bên cạnh ngôn ngữ Rapa Nui cổ. Nguồn thu chính của người dân trên đảo chủ yếu phụ thuộc vào du lịch.