PNCN - Con gái tôi đang học lớp 12, vừa chuyển vào một trường nội trú tư thục ở TP.HCM. Đây là lần đầu tiên cháu xa nhà nên vợ chồng tôi rất lo lắng.
Cháu thẳng tính, có phần nóng nảy, gặp chuyện gì không vừa ý là nói ngay, phải nói cho ra lẽ và cũng hay lo chuyện bao đồng. Ngoài ra, cháu luôn đòi hỏi sự công bằng. Thêm nữa, cháu còn có thêm “tật” lãnh đạo người khác. Cũng vì tính đó mà cháu có nhiều bạn, nhưng người không thích cũng không ít. Ngay cả với em trai, chị em cũng luôn kình nhau, vì cháu luôn chỉ đạo em phải làm thế này, làm thế kia. Khi cháu làm việc gì mẹ phân công thì cũng buộc em trai phải cùng làm, dù em bận học.
Với cá tính như thế, khi sống tập thể, cháu rất dễ mâu thuẫn, xung đột với bạn bè - bởi các cháu toàn là những người trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, cái tôi đều lớn nên sẽ ít có sự nhường nhịn.
Tôi nên nói để con thay đổi lối sống, suy nghĩ hay là phải trang bị gì đó (thực sự vợ chồng tôi vẫn chưa nghĩ ra) để cháu có thể hòa nhập với tập thể? Mong chuyên gia có ý kiến giúp tôi.
Ngô Hồng Thúy (Tiền Giang)
Chị Hồng Thúy mến,
Chị có cô con gái rất cá tính, có nhiều đức tính tốt: thẳng thắn, công bằng, thích giúp đỡ mọi người, có khả năng lãnh đạo… Con gái chị cá tính mạnh mẽ, sẽ khó bị ai bắt nạt. Điều này cũng là mong ước của nhiều cha mẹ.
Nhưng với cá tính đó, chị lo lắng cháu sẽ có nhiều người không thích, sợ cháu dễ mâu thuẫn, xung đột với bạn bè… Đây là nỗi lo hợp lý. Mỗi cá tính đều có mặt trái của nó. Người thẳng thắn quá cũng dễ gây mất lòng. Người hiền lành quá thì dễ bị qua mặt. Là người mẹ, chị có thể hình dung ra những khó khăn mà cháu sẽ gặp trong các mối quan hệ bạn bè, trong giao tiếp ứng xử khi ra ngoài xã hội… Tôi tin chị sẽ giúp cháu được rất nhiều.
Cá tính, thói quen của mỗi người được hình thành từ thuở ấu thơ nên để thay đổi là rất khó. Cháu là người thông minh, lanh lợi, sẽ biết tự điều chỉnh trong môi trường mới, tự điều chỉnh qua những trải nghiệm của bản thân. Qua tương tác với bạn bè, thầy cô và cuộc sống tự lập nơi thành phố, chị sẽ thấy cháu trưởng thành hơn, người lớn hơn, điềm đạm hơn. Chỉ cần cháu là người tốt, sống có tâm, có tình với bạn bè thì mọi mâu thuẫn do sự không khéo léo gây ra đều có thể được hóa giải. Chị hãy đặt niềm tin vào cháu, luôn đồng hành cùng cháu vượt qua những khó khăn của cuộc sống xa nhà.
Chị có thể hỗ trợ cháu bằng nhiều cách:
Chia sẻ với con những câu chuyện của chị hay của ai đó do không khéo léo, tế nhị trong cư xử mà gặp hiểu lầm, mâu thuẫn để cháu nhận ra đôi khi cũng có những hậu quả từ việc quá thẳng thắn, nóng tính.
Khen những đức tính tốt để cháu thêm tự tin và cháu cũng học được cách nhìn những điểm tốt ở người khác để bao dung và hòa đồng hơn.
Động viên cháu hãy là chính mình nhưng phải biết lường trước những mặt trái của tính nết, thói quen đang có mà cân đối trong cư xử.
Khuyến khích cháu chia sẻ những vui buồn khi sống xa nhà, lắng nghe cháu và cho cháu những lời tư vấn hữu ích khi cần giải quyết xung đột.
Thỉnh thoảng chị lên thăm, tạo quan hệ với bạn bè của cháu. Khi chị có cơ hội gần gũi và thâm nhập vào thế giới của cháu, chị sẽ hiểu và giúp được cháu nhiều hơn.
Tôi tin, với trái tim nhạy cảm của người mẹ, chị sẽ là người mẹ, người bạn mà con tin cậy.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn
nỗi lo con gái nhiều