Pháp luật

Camera ghi nhận 5 hiệp sĩ Sài Gòn bị đâm gục trong 13 giây

Lãnh đạo Công an TP HCM cho rằng, cảnh sát nếu có mặt tức thì cũng không thể ngăn chặn Tài gây án vì hắn đâm gục các hiệp sĩ trong tíc tắc.

Thiếu tướng Phan Anh Minh và ông Lê Thanh Liêm. Ảnh: Quốc Thắng.

Thiếu tướng Phan Anh Minh và ông Lê Thanh Liêm. Ảnh: Quốc Thắng.

Sáng 14/5, lãnh đạo UBND TP HCM đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM khen thưởng, động viên lực lượng đã nhanh chóng bắt được 2 nghi can đâm tử vong 2 hiệp sĩ và làm 3 người trọng thương. Ông Lê Thanh Liêm cũng chia sẻ mất mát, đau thương khó có thể bù đắp với gia đình các nạn nhân.

Báo cáo lãnh đạo thành phố, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam (Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự) cho biết, hôm qua 14/5 lực lượng chức năng đã triệu tập nghi can Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ Hóc Môn) về cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hắn phủ nhận hành vi, cho rằng bị oan và chứng minh ngoại phạm trong khoảng thời gian xảy ra vụ án.

Đến 22h cùng ngày, trinh sát phát hiện nghi can Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, tức Tài Mụn) đang lẩn trốn tại quận Gò Vấp, nên vây bắt.

Tài thừa nhận, khoảng 18h hôm trước Tài và Phú rủ nhau đi "đá xế", chúng chạy xe Exciter đảo quanh nhiều tuyến đường, hung khí giấu trong người. Đến đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) phát hiện xe SH trước một căn nhà, Tài xuống bẻ khóa lấy trộm. Khi bị nhóm hiệp sĩ vây bắt, Tài rút dao chống trả. Sau khi gây ra án mạng, chúng bỏ trốn.

Các nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, Bình Định) đã tử vong.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam. Ảnh: Sơn Hòa.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam. Ảnh: Sơn Hòa.

5 hiệp sĩ bị đâm gục trong 13 giây

Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP HCM) đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây mất mát đau thương không chỉ cho gia đình nạn nhân, mà còn là nỗi đau của lãnh đạo UBND và Công an thành phố.

Ông xác định Nguyễn Tấn Tài là kẻ trực tiếp gây án. Trước đó, chúng định trộm xe ở đường Bắc Hải (quận 10) nhưng chỗ đó có bảo vệ nên phải bỏ cuộc. Khi đến cửa hàng thời trang ở quận 3, Phú dừng xe phía bên kia đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc quận 10) cho Tài qua bẻ khóa.

"Sau khi đâm ông Hoàng (trưởng nhóm hiệp sĩ), Tài chạy ra xe Phú đang đợi thì một số hiệp sĩ đến sau, xông vào bắt hắn. Tài tiếp tục đâm nhóm này. Hình ảnh từ camera an ninh tại khu vực cho thấy sự việc chỉ diễn ra trong 13 giây", ông nói và cho biết cảm thấy rất day dứt vì hậu quả vụ án, nhiều đơn vị đã được huy động để truy bắt băng trộm.

Xác định việc bắt được 2 nghi can là nhiệm vụ của công an, ông Minh khẳng định "chúng tôi không lấy cái đau thương làm thành tích cho mình". Theo đó, toàn bộ số tiền vừa được lãnh đạo thành phố khen thưởng, Công an thành phố sẽ trao cho gia đình các nạn nhân.

Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh: Sơn Hòa.

Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh: Sơn Hòa.

Công an TP HCM day dứt về mô hình hiệp sĩ

Nói về mô hình hiệp sĩ đường phố tại TP HCM hơn chục năm qua, ông Minh tỏ ra khá trăn trở. Giọng chậm, ông cho biết: "Công an thành phố không tìm thấy căn cứ để hợp thức mô hình này, sẽ tiếp tục nghiên cứu".

Tướng Minh đánh giá các hiệp sĩ đang làm việc nghĩa. Nhưng muốn làm việc nghĩa thì cũng cần được huấn luyện; phải biết cái gì pháp luật cho phép làm, cái gì không và cần được hỗ trợ từ công an. Bởi ngay cả lực lượng công an chính quy nhiều việc cũng không thể thực hiện được.

"Công an thành phố day dứt vì chưa chuẩn hóa được, nhóm hiệp sĩ cũng không lường trước được các nguy hiểm sẽ gặp phải để hạn chế mất mát tuyệt đối", ông nói.

Công an phường tại hiện trường không dửng dưng trước vụ án

Vài giờ sau vụ án, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng nhóm công an phường chỉ ở cách hiện trường 20 m nhưng không hỗ trợ khi người dân đến cầu cứu.

Nói về việc này, thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết đã yêu cầu kiểm tra, thời điểm đó nhóm công an phường và lực lượng bảo vệ dân phố đang làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự tại khu vực nghĩa trang hồi giáo (phường 10, quận 3 - vừa bị giải tỏa để xây dựng công trình metro). Họ là lực lượng thuộc phường 2, được Công an quận 3 điều động tăng cường qua phường 10.

Khi nghe người dân báo, công an không rời vị trí làm việc nhưng đã cử người chạy đến Công an phường 10 cũng cách đó không xa để thông báo. "Việc này cán bộ đã làm đúng trách nhiệm. Không vì đau thương mất mát này mà chúng ta lại tìm một cá nhân, tổ chức để ném đá như vậy. Thử nghĩ xem, đối tượng ra tay chỉ trong 13 giây. Chỉ chừng này thời gian, công an có thể làm được gì để ngăn chặn? Chỉ có thể đến để bảo vệ hiện trường, chê trách gì nữa?", ông Minh thẳng thắn.

Ông Minh cũng khẳng định, lực lượng chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình phá án. Cần có sự nhìn nhận đúng bản chất và công bằng. "Đồng chí Kim Lý - Phó Công an quận 3 đã nhiều ngày không gặp con. Đồng chí ấy đã xác định nhiều nghi can, trích xuất cả những bị can trong các vụ án khác... tìm tung tích thủ phạm", ông dẫn chứng.

Đề xuất phong liệt sĩ cho hiệp sĩ tử nạn

Phó giám đốc Công an TP HCM khẳng định, anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, Bình Định) tử vong vì việc nghĩa. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Công an thành phố rất đồng tình, sẽ tập hợp hồ sơ xin phong liệt sĩ cho hai hiệp sĩ, truy tặng khen thưởng...

"Để làm việc này chúng ta cần có thời gian, những người bị thương vẫn còn điều trị. Hiện, cũng có nhiều hồ sơ xin phong liệt sĩ nhưng gặp phải quan điểm khác nhau, nên Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ là cơ quan xét duyệt", ông Minh nói.

Ban Thời sự

VNExpress

© 2021 FAP
  2,345,120       1/1,038