Thể thao

Những ngờ vực về quyết định chọn HLV Miura

Tân HLV tuyển Việt Nam đang làm bình luận viên ở Nhật Bản, kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia không có.

Trái ngược với dự đoán, cái tên Toshiya Miura được VFF công bố khiến nhiều người bất ngờ. So với ông Takeshi Okada - người từng dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản tại hai kỳ World Cup 1998, 2010 - HLV Miura còn xa lạ với người hâm mộ Việt Nam.

miu-1427-1399622293.jpg

HLV Miura sẽ cần thời gian để thích nghi với bóng đá Việt Nam. Ảnh: SJP.

Ở Nhật Bản, ông Miura được biết đến như HLV chưa từng trụ lại quá hai năm ở bất cứ CLB nào. Từ 2011 đến nay, vị thuyền trưởng này phải chuyển sang làm bình luận viên trước khi nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam. Trong hơn 11 năm theo nghiệp huấn luyện, ông Miura trải qua hơn 100 trận đấu tại J-League 1 với thành tích 42 trận thắng, 32 hòa và thua 84 trận. Có kinh nghiệm làm việc với các đội bóng nhưng nhiều ý kiến lo ngại, môi trường đội tuyển quốc gia rất khác và đây là điểm yếu của HLV người Nhật Bản.

Ông sinh ngày 16/7/1963 tại Kamaishi, Iwate, Nhật Bản. Từ năm 1986-1987, chiến lược gia này học khoa Y học và giảng dạy thể chất tại trường đại học Iwate. Với tình yêu bóng đá từ nhỏ, ông Miura từng làm cầu thủ trong đội bóng trường trung học Nam Kamaishi.

Khác với những chiến lược gia nổi tiếng của Nhật Bản thường có xuất phát điểm là cầu thủ giỏi, ông Miura đến với bóng đá theo con đường khác. Năm 27 tuổi, vị này sang Đức theo học ngành HLV bóng đá chuyên nghiệp tại Đại học thể thao Cologne. Sau 5 năm tu nghiệp, ông được nhận bằng HLV loại A và một bằng Thạc sĩ. Trong thời gian học tập ở Đức, HLV Miura tham gia công tác đào tạo trẻ ở một số CLB, trong đó có Dusseldorf.

Với sự khởi đầu khá thuận lợi về mặt bằng cấp, chàng thanh niên Miura về nước để thử sức mình với các CLB Nhật Bản. Lúc này, bóng đá xứ Phù tang rất trọng dụng các HLV học ở nước ngoài nên ông Miura không khó kiếm được một công việc. Năm 1997, chiến lược gia Miura làm trợ lý, rồi sau đó làm HLV trưởng đội bóng Brumell Sendai (J-League 2). Brumell Sendai từng giành ngôi đầu bảng nhưng lại thi đấu không tốt ở giai đoạn cuối mùa giải khiến ông Miura bị mất chức. Năm 1998, ông này làm Giám đốc kỹ thuật kiêm HLV CLB Mito HollyHock, nhưng một lần nữa phải ra đi sau khoảng một năm gắn bó.

Tiếp đó, ông lần lượt đảm nhiệm vị trí HLV trưởng tại nhiều CLB khác nhau như Omiya Ardija (2000-2001, 2004-2006), Consadole Sapporo (2007-2008), Vissel Kobe (2009-2010), Ventforet Kofu (2010-2011). Dấu ấn lớn nhất của HLV sinh năm 1963 chính là khoảng thời gian ở Sapporo năm 2007. Đội bóng vùng Hokkaido vô địch giải hạng nhì và thăng hạng ngay trong năm đầu tiên ông dẫn dắt. Thế nhưng, Sapporo chỉ cán đích thứ 19 ở giải hạng nhất, khiến ông Miura phải từ chức vào cuối mùa.

Tháng 8/2009, Vissel Kobe có lời mời nhưng cuộc tình cũng chỉ kéo dài gần hai năm. Năm 2011, ông Miura về Ventforet Kofu nhưng đội bóng thi đấu tệ, bị tụt xuống vị trí thứ 16, khiến lãnh đạo đội bóng buộc phải cắt hợp đồng. Từ năm 2011 đến nay, ông Miura phải làm công việc tay trái là bình luận viên.

Thành tích trong quá khứ không quá nổi trội, ông Miura vẫn được VFF đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ đưa tuyển Việt Nam và U23 lên một tầm cao mới. Lãnh đạo Liên đoàn tuyên bố xây dựng hướng đi dài hạn cho bóng đá trong nước xoay quanh HLV Nhật Bản này. Cũng vì lẽ đó, VFF sẽ không đưa điều khoản thành tích tại AFF Cup cũng như SEA Games vào hợp đồng ký kết với ông Miura. Tuy vậy, dư luận cũng đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn giữa thời hạn hợp đồng hai năm và những mục tiêu màn tính dài hạn mà VFF đặt kỳ vọng vào ông Miura. 

Anh Phương

NgoiSao.net

Những ngờ vực về quyết định chọn HLV Miura - Ngôi sao


© 2021 FAP
  1,463,136       5/884