Phong cách

Nữ sinh gây tranh cãi với tâm thư gửi Bộ Giáo dục

Phương Thảo cho rằng em và các thầy cô đều không kịp chuẩn bị bởi những quy định mới của việc tuyển sinh năm 2017 và khẩn thiết đề nghị Bộ 'làm ơn đừng thay đổi thi cử'.

Từ hôm qua, một bức tâm thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo được nữ sinh tên Phương Thảo đăng lên trang cá nhân thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người. Những lời tâm sự của nữ sinh học lớp 12 tại TP HCM sau dự thảo thi tuyển sinh 2017 nhận được gần 10.000 lượt thích và hơn 4.000 lượt chia sẻ, bình luận.

Trong bức tâm thư, nữ sinh Thảo bày tỏ suy nghĩ chính mình và các bạn đã chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho kỳ thi THPT Quốc gia từ hơn 1 năm trước; các thầy cô cũng đã hướng dẫn ôn tập, trao dồi kiến thức theo hướng dẫn nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại nói về cách thi mới khiến các em “không chuẩn bị kịp".

“Cách thi như vậy sẽ dẫn đến việc chúng con không chỉ học chương trình sách giáo khoa để biết thêm kiến thức, mà còn phải học để thi. Chúng con không chỉ học tất cả môn và ôn trọng điểm các môn phải thi, mà còn phải học nhồi nhét những môn không liên quan ngành nghề”, Thảo bày tỏ.

nu-sinh-gay-tranh-cai-voi-tam-thu-gui-bo-giao-duc

Những chia sẻ của Thảo phần lớn nhận được nhiều đồng tình của các bạn học sinh.

Những suy nghĩ trong bức thư của nữ sinh lớp 12 đã khiến phần lớn người đọc đồng tình. Nickname Minh Vy, một học sinh đang học lớp 12, bày tỏ: “Rất ủng hộ ý kiến kiến của bạn, mình đồng ý việc không nên thay đổi quá vội vàng, mỗi năm một phương thức thi mới. Làm như thế học sinh chúng mình sẽ giống như chuột bạch đem thí nghiệm mà lại còn không xoay sở kịp với những điều mới được đề ra. Quả thực đọc xong cách thức thi mới mình cũng ngã ngửa một hồi”.

Cùng chung suy nghĩ Kotoro Mạnh cho rằng dù mới học lớp 11 thôi, chưa phải trực tiếp trải nghiệm cách thức thi mới nhưng học sinh này cũng hoang mang không kém đàn anh, đàn chị: "Em mới học lớp 11 thôi, mà đọc quy chế mới cũng thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại quá. Mong là em còn đủ thời gian để thích ứng với những điều mới mẻ này".

Ngoài các ý kiến đồng tình thì một số khác cũng bày tỏ quan điểm sự thay đổi để tìm ra cách thức thi mới ngày càng hoàn thiện là điều nên làm. Tuy nhiên cũng không nên áp dụng ngay mà cần thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến. Độc giả Minh Khang viết: "Mình từng trải qua thời kỳ thi cử như của các em rồi. Rất hiểu tâm lý của học sinh khi sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Việc tìm và hoàn thiện cách thức thi cử tôi rất đồng ý nhưng thiết nghĩ nếu có thể hãy nghiên cứu, lấy ý kiến các em học sinh trước thì có lẽ sẽ tốt hơn".

nu-sinh-gay-tranh-cai-voi-tam-thu-gui-bo-giao-duc-1

Thảo cho rằng kiến thức là vô tận, không thể bắt học sinh nhồi nhét nhiều thứ vào đầu cùng một lúc. Đồng thời việc thi như vậy sẽ khiến tỷ lệ học lệch rất cao. Ảnh minh họa: VnExpress.

Nguyên văn bức tâm thư gây sốt của nữ sinh Phương Thảo:

"Gửi Bộ Giáo dục và đào tạo!

Thực sự không biết mấy bác có đọc được không nhưng vẫn phải nói. Năm nay con là học sinh cuối cấp chuẩn bị thi THPT. Con biết mấy bác muốn đổi mới, cải cách, cải thiện gì đó để kỳ thi tốt hơn giáo dục tốt hơn. Nhưng làm ơn lắng nghe những ý kiến của những người thực hiện nó là thầy cô và học sinh. Để chuẩn bị cho kỳ thi tụi con đã xác định từ cuối năm lớp 11 rồi, đã chọn môn chọn khối thi và đã chuẩn bị tâm lý như thi 2 năm trước. Tại sao tụi con đang học chương trình sách giáo khoa từng môn mà tới lúc thi lại là tổng hợp nhiều môn. Các thầy cô và tụi con đều không chuẩn bị kịp.

Môn Toán, các thầy cô dạy theo tự luận sẽ có cách trình bày khác còn nếu trắc nghiệm thì các thầy cô sẽ dạy kỹ năng giải nhanh hơn cho kịp thời gian, như vậy sẽ làm tụi con và giáo viên xoay 180 độ. Đúng là trong khoa tự nhiên có cả 4 môn Toán, Lý, Hoá, Sinh. Nhưng cho con hỏi một nhà kinh doanh có nhất thiết phải học môn Sinh, một người bác sĩ có nhất thiết phải giỏi môn Lý hay một người kỹ sư cũng không cần học nhiều môn sinh. Việc thêm môn vào bài thi chỉ làm mất thời gian thôi.

Thay vì tụi con học chương trình sách giáo khoa để biết thêm kiến thức mà còn phải học để thi nữa. Thay vì hồi đó tụi con học tất cả các môn và ôn trọng điểm các môn mà mình cần phải thi thì có những môn không liên quan tới ngành mình học cũng phải học nhồi nhét như vậy. Học sinh thi như thế tỷ lệ học lệch cao, điều đó không phải là học lệch mà tụi con chỉ học những thứ có ích.

Tụi con học, điều thứ nhất để sau có công việc ổn định, thứ 2 là có ích cho đất nước. Nhưng tại sao các bác không hiểu ra điều này. Kiến thức là vô tận, không thể bắt chúng con nhét nhiều thứ vào cùng một lúc. Những thứ tri thức có ích bị đè bẹp dưới một đống tri thức khác mà lúc cần không thể lôi ra mà sử dụng ngay được.

Trái lại với những người thông minh chỉ cần học và chọn lọc những thứ mình cần trong những kiến thức đó thì lúc sử dụng vô cùng linh hoạt. Thật là sai lầm khi bắt một con người phải hoàn hảo tất cả những khía cạch. Ai cũng có thế mạnh riêng của người đó. Làm ơn đừng có đổi đi đổi lại kỳ thi nữa. Đối với tụi con thi là áp lực rồi cộng thêm việc tụi con luôn ngóng xem đổi như thế nào để biết mà ôn nữa , thực sự rất áp lực.

Con hỏi tại sao giáo dục đổi đi đổi lại mà vẫn không hoàn thiện được? Thay vì làm chặt ở việc thi THPT thì hãy làm chặt những kỳ thi lên lớp để có thể chọn lọc kỹ hơn. Như thế sẽ giảm bớt một phần nào cho những học sinh cuối cấp và Bộ sẽ không phải đổi mới nhiều nữa. Giáo dục Việt Nam có giống giáo dục nước ngoài?

Làm ơn đọc tâm sự của con...".

Lam Dương

NgoiSao.net

nữ sinh, tâm thư gửi Bộ giáo dục, tuyển sinh 2017 - Nữ sinh gây tranh cãi với tâm thư gửi Bộ Giáo dục


© 2021 FAP
  9,947,460       4/1,087