Lần đầu tiên, một hội thảo cung cấp thông tin nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp (DN) trong thời điểm Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được tổ chức tại Đồng Nai, do UBND tỉnh Đồng Nai, VCCI, AmCham Vietnam và VTFA phối hợp tổ chức vào ngày 4-4.
Ông Nestor Scherbey, cố vấn cao cấp của VTFA, cho biết kinh nghiệm 30 năm làm việc của ông cho thấy chưa từng có một quốc gia nào triển khai cùng lúc nhiều FTA như Việt Nam hiện tại, do đó “thách thức là vô cùng lớn”.
* Doanh nghiệp nào đọc nổi cả chục ngàn trang?
Ông Nestor cho rằng dù đâu đâu cũng nói về các FTA, song số DN hiểu rõ về các FTA rất ít ỏi, dù toàn văn các FTA quan trọng đều được công bố công khai. “Đơn giản là mỗi một văn kiện có thể dài cả chục ngàn trang với những điều khoản vô cùng chi tiết và khó hiểu, không phải DN nào cũng có thể đọc và hiểu hết, dù thời điểm có hiệu lực đã và đang đến gần” - ông Nestor nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, góp ý tại hội thảo. |
Nhiều DN cũng thừa nhận, nếu chỉ cung cấp thông tin thì hàng chục hội thảo cũng chưa đủ, vì chỉ là thông tin chung chung, trong khi điều mà DN cần rất cụ thể: hàng gì, thị trường nào, thuế tăng giảm ra sao… Thực tế là DN không thể gọi cho Bộ Công thương hay đoàn đàm phán để biết. Do đó, cần có cơ sở dữ liệu và trung tâm thông tin của tỉnh. “Gần 6 ngàn trang của TPP thì ngay cả tôi cũng mất mấy ngày, hoa cả mắt và có nhiều chương, nhiều phụ lục rất khó hiểu. Do đó, điều vô cùng quan trọng là thông tin cần phải được giải thích cụ thể, rõ ràng, dễ nắm bắt. Nên trả lương cho vài người để làm việc diễn giải và cung cấp thông tin này” - ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành AmCham tại TP.Hồ Chí Minh nói.
“Thách thức - cơ hội ai cũng nói là nhiều, nhưng nhiều thế nào? Cụ thể? Cần bóc tách ra thành từng nhóm, ngành hàng, phân công đồng bộ từ trên xuống dưới. Cứ “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao” thì DN cũng bối rối chẳng biết làm sao” - ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phát biểu. Ông Châu Minh Nguyện, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, nhận xét: “DN đang tự bơi trong hội nhập. Thông tin về các FTA chỉ nói chung chung về thách thức, cơ hội mà chưa có hỗ trợ cụ thể, ngay cả phần thông tin liên quan đến từng ngành, từng lĩnh vực lớn của Việt Nam cũng rất thiếu thốn”.
* Tránh ngủ quên trên lợi thế
Một trong những điểm đáng chú ý là nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo thông tin từ VCCI, nếu năm 2011 tỷ trọng xuất khẩu của FDI chiếm 50% tổng kim ngạch, thì đến 2015 là trên 70%. “Nếu đánh giá thực sự sức khỏe của DN Việt Nam thì phải tách FDI ra. FDI chảy vào và cũng có thể chảy ra nếu họ gặp những điều chưa thuận lợi. Các địa phương cần ý thức, sức khỏe nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khối DN dân doanh, dù FDI là rất quan trọng” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phân tích.
Liệu doanh nghiệp Đồng Nai có biết về TPP không? Qua khảo sát của VCCI, có đến 21% DN dân doanh Đồng Nai cho biết là họ không biết gì về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); 41% có nghe nói nhưng không hiểu sâu; 32% cho biết đã đánh giá sơ sơ và chỉ 6% cho biết đã tìm hiểu kỹ. “Nhìn chung, cơ hội hội nhập không phải cào bằng cho tất cả DN, song thông tin đến các DN cần bài bản hơn, không chỉ DN xuất khẩu mới phải tìm hiểu về thuế suất tăng, giảm ra sao mà ngay cả những DN loay hoay ở thị trường nội địa cũng cần phải biết để biết mình sẽ phải cạnh tranh với những mặt hàng nào ngay tại sân nhà. Ở bối cảnh mới thì chính quyền địa phương cần sốt ruột, năng động và cải cách nhanh hơn, không thể giữ nhịp độ như cũ nữa” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, nhận xét. |
Theo đó, muốn phát triển thì Việt Nam cần phải làm rất nhiều, đặc biệt là tìm cách phát triển mạnh khối DN dân doanh. Một cách thẳng thắn, ông Tuấn cho rằng Việt Nam chưa phải là môi trường đầu tư mạnh. “Chúng tôi hỏi rất nhiều DN FDI là điều gì khiến họ chọn Việt Nam, thì yếu tố đầu tiên vẫn là giảm chi phí: lao động rẻ, môi trường chưa khắt khe... Như vậy, trong 10 yếu tố hàng đầu không có “điều hành tốt”, “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt”. Nếu đánh giá theo thước đo của Diễn đàn kinh tế thế giới thì Việt Nam chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanmar. Trong TPP, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng bị đánh giá là thấp nhất trong 12 nước tham gia” - ông Tuấn nói thêm.
Hiện tại, Việt Nam bị đánh giá là tăng trưởng do năng suất lao động, đổi mới công nghệ… ở mức rất thấp. Cùng xuất phát điểm như nhau thì hiện tại Trung Quốc tăng rất nhanh. Điều này cũng đúng với các địa phương. Một chia sẻ nhỏ từ VCCI là các tỉnh đừng tự so sánh mình với trước đây mà nên tìm những chuẩn mực mới cao hơn và có tính cạnh tranh hơn. Ví dụ, Đồng Nai nên so sánh với những tỉnh lớn của Thái Lan, Malaysia... về hạ tầng, công nghệ, tính hiệu quả của chính quyền..., thay vì tự so sánh với chính mình trước đây để tránh “ngủ quên trên lợi thế”.
* Chính quyền cần năng động hơn
Kết quả nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 vừa công bố vào 31-3 qua cho thấy một số điểm sáng: tinh thần DN đã lạc quan hơn, quy mô vốn lớn hơn... Đồng Nai cũng tăng 5 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, VCCI cho biết, khảo sát ở 225 DN dân doanh và 57 DN FDI ở Đồng Nai thì tỷ lệ tăng vốn đầu tư của ĐN thấp hơn cả nước, chỉ 8% (cả nước gần 12%). Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ, tuyển dụng lao động của các DN Đồng Nai cũng ít hơn.
Đại diện VCCI cũng có góp ý nhỏ là khảo sát cho thấy dưới con mắt của DN dân doanh thì môi trường kinh doanh Đồng Nai chưa thực sự tốt, trong khi DN FDI đánh giá tốt hơn. Đây là điều mà tỉnh cần phải suy nghĩ, xem có quá ưu ái các nhà đầu tư nước ngoài mà “lãng quên” DN trong nước hay không. Ngoài ra, các đánh giá khác, như: tính bình đẳng, chi phí không chính thức, sự năng động của chính quyền, tính minh bạch... của Đồng Nai cũng đã được cải thiện. Đặc biệt, tiêu chí về hạ tầng (nước sạch, hạ tầng các khu công nghiệp, điện, internet...) thì Đồng Nai cùng với Bình Dương và Đà Nẵng là những địa phương được DN tham gia khảo sát đánh giá là tốt nhất hiện nay.
Kim Ngân - Hương Giang