Kinh tế

Ngành gỗ hưởng lợi gì từ TPP?

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường TPP (12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) chiếm hơn 50%. Đây cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu được xem là hưởng lợi từ hiệp định này. Thế nhưng, các doanh nghiệp chế biến gỗ cho rằng việc hưởng lợi này cũng chỉ trong giới hạn.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường TPP (12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) chiếm hơn 50%. Đây cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu được xem là hưởng lợi từ hiệp định này. Thế nhưng, các  doanh nghiệp chế biến gỗ cho rằng việc hưởng lợi này cũng chỉ trong giới hạn.

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Thể Phương (TP.Biên Hòa).
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Thể Phương (TP.Biên Hòa).

Theo số liệu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), tỷ trọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang thị trường TPP chiếm gần 58% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

* Cơ hội không dài

Là chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ nhiều năm khai thác thị trường Mỹ, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (huyện Trảng Bom), cho rằng việc hưởng lợi từ TPP của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có thể không kéo dài. Theo ông, chỉ một thời gian hiệp định được thực thi là những quốc gia trong khối này sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là Mỹ. Điểm tiếp nữa là nhiều quốc gia khác cũng chạy đua tham gia vào thị trường này khiến việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Điều ông Thành nhận xét hoàn toàn có lý. Hiện tại, ngay thị trường trong nước khi lĩnh vực này thấy cơ hội tốt, nhiều doanh nghiệp ngoại đã nhảy vào đầu tư để khai thác lợi thế.

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thể Phương (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), cho hay hiện tại các doanh nghiệp chế biến gỗ Đài Loan đang khai thác tốt thị trường Mỹ. Phương thức của các doanh nghiệp này là đặt hàng gia công từ các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam. Đây là bài toán khá hiệu quả mà các doanh nghiệp này đang khai thác. Theo Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Mỹ và Nhật Bản là thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, khi tham gia TPP ngành gỗ có cơ hội tốt, nhưng về lâu dài những rào cản sẽ xuất hiện.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận định: “Thị trường Mỹ rất tốt và ngành gỗ của Việt Nam đang có lợi thế ở đây, nhưng đây cũng là thị trường hay có các hàng rào kỹ thuật được dựng lên. Vì vậy, về lâu dài sẽ xuất hiện những thách thức”.

* Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Hiện tại trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu sang Mỹ và Nhật Bản, và hiện tại thuế suất của 2 thị trường lớn đều đã bằng 0%. Vì vậy, tác động từ việc giảm thuế suất nhập khẩu theo cam kết của TPP không có ý nghĩa nhiều. Về mặt hưởng lợi ở đây, các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong nội khối TPP với thuế suất bằng 0% để đảm bảo được tính hợp pháp của nguyên liệu. Bên cạnh đó, khi tham gia vào TPP, thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp trong ngành gỗ dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, từ các quốc gia phát triển, chất lượng hàng hóa được nâng lên tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn.

Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho rằng, để doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xuất khẩu khai thác được lợi thế tốt hơn với thị trường TPP rất cần sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho rằng những hỗ trợ mà doanh nghiệp cần thiết nhất hiện nay là mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn và cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp giảm chi phí. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Trần Văn Thành cho hay, những chi phí vô hình trong sản xuất hiện nay vẫn còn nhiều khiến sản phẩm của doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,994,940       22/1,339