Kinh tế

Phải gỡ khó để doanh nghiệp phát triển

Ngày 29-4, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp trực tiếp đầu tiên với doanh nghiệp (DN) Việt Nam với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước" nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN phát triển.

Ngày 29-4, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp trực tiếp đầu tiên với doanh nghiệp (DN) Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo số liệu từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 15 năm qua có hơn 914 ngàn DN đăng ký thành lập, nhưng đến nay chỉ còn trên 513 ngàn DN đang hoạt động. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, số DN giải thể rất lớn, các DN đang hoạt động chỉ hơn 50% làm ăn có lãi. Đây là minh chứng cho việc môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn rào cản.

* “Khoan sức” cho doanh nghiệp

Nhiều DN phản ánh với Thủ tướng là thủ tục hành chính rườm rà, quá nhiều “giấy phép con” khiến chi phí chính thức lẫn không chính thức tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lên, dẫn đến khó cạnh tranh. Cán bộ công chức vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN. Tại nhiều địa phương, DN than phiền về tình trạng bị kiểm tra liên tục, bình quân 1 lần/ tháng.

Tại đầu cầu Đồng Nai có Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì. Trong quý I-2016, Đồng Nai có 551 DN trong nước cấp giấy chứng nhận đăng ký DN tổng vốn hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài xếp thứ 2 trong cả nước và Đồng Nai là tỉnh xuất siêu lớn trên 644 triệu USD.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, đề nghị: “Các địa phương nên lắng nghe DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ giúp DN ổn định sản xuất. Việc quản lý, xử lý hàng giả, hàng trốn thuế, nhập lậu phải thật nghiêm để bảo vệ các DN làm ăn chân chính trong nước”.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành dệt may và có những giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh. Gần đây, nhiều DN dệt may vừa và nhỏ đã phải giải thể vì không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Myanmar. Các DN dệt may đang phải chịu sự kiểm tra của rất nhiều ngành, có những công ty trong quý I-2016 bị kiểm tra đến 3-4 lần. Do đó, hiệp hội đề nghị Chính phủ yêu cầu các đoàn kiểm tra nên hợp thành một và 1 năm chỉ nên kiểm tra 1-2 lần để giảm gánh nặng cho DN.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam, bày tỏ: “Chính phủ nên cho rà soát lại, loại bỏ các giấy phép con và quá trình giải quyết hồ sơ liên kết các bộ, ngành để giảm thời gian, chi phí đi lại cho DN. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cần sửa đổi một số quy định cho phù hợp với quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương nên coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải để quản lý”.            

* Tạo môi trường lành mạnh

Theo Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam nên giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, ứng dụng khoa học - công nghệ giải quyết thủ tục hành chính để giảm tham nhũng. Phía Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng cho nhu cầu của DN trong thời kỳ hội nhập sâu. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), hiến kế: “Dưới luật chỉ nên ban hành 1 nghị định và bỏ thông tư, vì thông tư đẻ ra rất nhiều giấy phép con gây khó khăn cho DN”.

Sản xuất tại một doanh nghiệp nhỏ ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.
Sản xuất tại một doanh nghiệp nhỏ ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.

Các Hiệp hội DN Nhật Bản, châu Âu tại Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam chú ý đến việc tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa. Đồng thời, sở hữu trí tuệ phải đảm bảo để DN nước ngoài yên tâm mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Hầu hết các bộ trưởng đều thừa nhận, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhưng trong năm 2014, 2015, các bộ đã rút ngắn, đơn giản nhiều thủ tục tạo thuận lợi cho DN. “Trong năm 2015, Bộ Công thương đã cắt bỏ và đơn giản hơn 40 thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng cho DN” - Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị DN không nên chỉ kêu ca khó khăn mà đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, nghiên cứu chính sách và kiến nghị cách tháo gỡ vướng mắc để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng,  những việc Chính phủ cần làm ngay để giúp DN phát triển là: phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho DN; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN; hạn chế tối đa kẽ hở trong chính sách để cán bộ công chức nhũng nhiễu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sức cạnh tranh của DN đang giảm dần do chính sách, thủ tục còn nhiều vướng mắc làm tăng chi phí cho DN. Bên cạnh đó, DN đang chịu cảnh phí chồng phí, kiểm tra chồng chéo liên tục. Thủ tướng nghiêm cấm các bộ, ngành, địa phương ban hành giấy phép kinh doanh trái pháp luật. Thời gian tới, không được tăng phí, lệ phí và thuế để giảm chi phí đầu vào cho DN. Ngành ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho DN vay trung, dài hạn giảm 1%/năm. Các cơ quan nhà nước khi ban hành các thủ tục chính sách, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,423       1/876