Kinh tế

Heo VietGAP Đồng Nai bị mạo danh

Theo kết quả xác minh ban đầu của các cơ quan chức năng, 80 con heo đạt chứng nhận VietGAP bị phát hiện nhiễm chất cấm khi đưa về giết mổ tại Vissan không phải xuất phát từ 2 hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất.

Theo kết quả xác minh ban đầu của các cơ quan chức năng, 80 con heo đạt chứng nhận VietGAP bị phát hiện nhiễm chất cấm khi đưa về giết mổ tại Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) không phải xuất phát từ 2 hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất.

Người chăn nuôi Đồng Nai lo lắng vì heo VietGAP bị mạo danh. Trong ảnh: Trại nuôi heo của gia đình ông Vy Hướng Mạnh (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất).
Người chăn nuôi Đồng Nai lo lắng vì heo VietGAP bị mạo danh. Trong ảnh: Trại nuôi heo của gia đình ông Vy Hướng Mạnh (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất).

Như vậy, lô heo bị phát hiện nhiễm chất cấm đã “đội lốt” heo VietGAP Đồng Nai để đưa ra thị trường. Với thực trạng quản lý qua các khâu từ trang trại đến nơi tiêu thụ còn nhiều kẽ hở như hiện nay, nguy cơ heo VietGAP bị mạo danh sẽ không dừng lại ở 2 trường hợp trên.

* Sơ hở trong quản lý?

Theo tường trình ban đầu của ông Nguyễn Văn Toàn, chủ Doanh nghiệp (DN) tư nhân Trà My LA (tỉnh Long An) - đơn vị cung cấp heo cho Vissan, lô heo 80 con bị nhiễm chất cấm được mua tại 2 hộ chăn nuôi VietGAP của ông Vy Hướng Mạnh và ông Trần Anh Hiếu, đều ngụ tại ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất.

Tuy nhiên, thực tế xác minh của các cơ quan chức năng, lô heo bị nhiễm chất cấm không xuất phát từ 2 trại ở Thống Nhất. Cụ thể, toàn bộ số heo 2 trại này bán cho thương lái đều nặng hơn 100kg/con với tổng trọng lượng trên 9 tấn. Trong khi đó, lô heo của DN tư nhân Trà My LA cung cấp cho Vissan có tổng trọng lượng hơn 7,6 tấn, trọng lượng mỗi con heo cũng không khớp với lô heo tại 2 trại nuôi VietGAP đã bán. Thế nhưng, trên giấy nhập kho của DN tư nhân Trà My LA cho Vissan, lô 80 con heo nhiễm chất cấm lại được chứng nhận là heo VietGAP xuất từ trại Đồng Nai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vy Hướng Mạnh. Nhóm trưởng nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) của xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), khẳng định: “Ngày 20-4, tôi có xuất bán 45 con heo cho thương lái tại địa phương là ông Quân, hoàn toàn không biết ông Toàn là ai. Thương lái này cân heo rồi trả tiền mà không hề yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ chứng nhận heo VietGAP. Toàn bộ giấy kiểm dịch đều do thương lái tự làm, vì khi bán heo cán bộ thú y không có mặt tại trại”. Theo ông Mạnh, xã Lộ 25 hiện có 3 nhóm GAHP với gần 60 thành viên, trong đó có khoảng 30 hộ được cấp chứng nhận VietGAP. Các hộ đều bán heo cho thương lái theo kiểu mua đứt bán đoạn với giá hàng thường chứ chưa hề có công ty, DN nào đến tận trại thu mua.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 26 trang trại heo, gà được cấp chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, 3 vùng thực hành chăn nuôi tốt với 52 nhóm GAHP thuộc dự án Lifsap có 1.080 hộ, trong đó có trên 650 hộ được cấp chứng nhận VietGAP. Với tổng đàn của tỉnh khoảng 1,7 triệu con heo, tỷ lệ heo đạt VietGAP chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Theo đó, tình trạng thương lái lợi dụng kẽ hở trà trộn heo thường với heo VietGAP là có thể xảy ra. Thực tế, để gom đủ 1 xe heo từ từ 80 đến trên 100 con, thương lái thường phải mua từ nhiều hộ chăn nuôi khác nhau và có thể qua nhiều tầng thương lái nên việc phân định heo VietGAP và không VietGAP là cực kỳ khó khăn. Vì kiểm dịch không có chức năng kiểm tra chất cấm, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh được tổ chức dịch vụ công kiểm tra nhanh chất cấm (có thu phí) đàn heo trước khi thương lái vận chuyển đưa từ trại lên xe đi tiêu thụ nhằm siết chặt quản lý về vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Nguy cơ thương lái mạo danh heo VietGAP Đồng Nai để trà trộn heo thường cung cấp ra thị trường cũng đang là nỗi lo chung của nhiều hộ chăn nuôi trong các nhóm GAHP. Ông Nguyễn Việt Quốc, Trưởng nhóm GAHP xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: từ sự hỗ trợ kết nối của Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, tháng 11-2015, 3 hộ chăn nuôi VietGAP trong nhóm đã bán được lô heo đầu tiên 35 con cho Vissan. Các thành viên trong nhóm GAHP rất phấn khởi vì có DN quan tâm thu mua heo sạch với mức giá nhỉnh hơn so mặt bằng chung ngoài thị trường. “Đợt đầu tiên, đơn vị thu mua heo cho Vissan rất nhiệt tình hỗ trợ nông dân về mặt giấy tờ, chứng nhận. Nhưng sau đó, chúng tôi liên lạc lại với họ thì họ từ chối không thu mua, có mua thì lại đưa ra mức giá thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung ngoài thị trường nên nông dân tiếp tục bán heo cho thương lái bên ngoài” - ông Quốc nói.

* Heo sạch khó bán

Ông Quốc cho biết thêm, khó khăn lớn nhất hiện nay của các hộ chăn nuôi VietGAP vẫn là chưa có đầu ra cho sản phẩm sạch. Nhiều thương lái ép giá heo VietGAP vì “chê” heo không đẹp, không đạt yêu cầu siêu nạc như ngoài thị trường. “Tham gia vào nhóm GAHP, nông dân được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp chuồng trại, xây dựng công trình khí sinh học, đầu tư máy trộn thức ăn cho nhóm... Nhưng do khó khăn về đầu ra, một số thành viên trong nhóm GAHP không còn tích cực với chương trình, thậm chí có ý định rút khỏi nhóm khi tôi vận động các thành viên đăng ký lại” - ông Quốc than thở.

Đồng quan điểm, ông Phạm Như Hi, Nhóm trưởng Nhóm GAHP ấp Nam Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), cho hay: “Để đạt chuẩn VietGAP, người chăn nuôi phải mất nhiều công sức và chi phí hơn. Chính vì vậy, nông dân rất thiệt thòi khi sản phẩm sạch vẫn tiêu thụ trôi nổi ngoài thị trường, bị thương lái ép giá. Mặt khác, thị trường hiện vẫn trong cảnh vàng thau lẫn lộn, sản phẩm VietGAP bị mượn danh, bị trà trộn cũng đang gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi theo hướng an toàn”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,998,663       13/1,529