Kinh tế

Mua hàng Việt ở đâu?

Các siêu thị, trung tâm mua sắm khi được hỏi đều khẳng định hàng Việt bày bán tại hệ thống chiếm từ 85-90% cơ cấu hàng hóa. Song theo khảo sát thực tế, hàng "thuần Việt" (thương hiệu Việt Nam) trên các kệ hàng không nhiều như công bố, mà phần lớn là hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm khi được hỏi đều khẳng định hàng Việt bày bán tại hệ thống chiếm từ 85-90% cơ cấu hàng hóa. Song theo khảo sát thực tế, hàng “thuần Việt” (thương hiệu Việt Nam) trên các kệ hàng không nhiều như công bố, mà phần lớn là hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam.

Hàng hóa mỹ phẩm bán tại Siêu thị Lotte Mart Biên Hòa phần lớn là do doanh nghiệp FDI sản xuất ở Việt Nam và một số mặt hàng nhập khẩu.
Hàng hóa mỹ phẩm bán tại Siêu thị Lotte Mart Biên Hòa phần lớn là do doanh nghiệp FDI sản xuất ở Việt Nam và một số mặt hàng nhập khẩu.

Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn ở TP.Biên Hòa cho thấy, những khu vực trưng bày “đắc địa” đều đang ưu tiên trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam, hàng thuần Việt chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhiều mặt hàng chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%.

* Khó chen chân

Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn của Đồng Nai, như: BigC, Metro, Co.op Mart, Lotte Mart, Nguyễn Kim... hàng thuần Việt ngày càng ít có mặt trên các quầy, kệ của siêu thị. Đơn cử, như quầy hàng dầu gội đầu tại Siêu thị Co.op Mart Biên Hòa có trên 20 thương hiệu khác nhau, nhưng hầu hết là của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam, như: Dove, Clear, Sunsilk, Clear, X-men... của các tập đoàn lớn, như: Unilever, P&G, Unza… Các tập đoàn đa quốc gia đến từ Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản không chỉ chiếm lĩnh thị trường dầu gội mà còn chiếm ưu thế lĩnh vực mỹ phẩm chăm sóc da, bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng, bột nêm, nước chấm. Những loại thực phẩm khô, chế biến sẵn bày bán tại các siêu thị cũng có khoảng 60-80% thuộc về các doanh nghiệp FDI.

“Điểm yếu của doanh nghiệp “thuần Việt” là hàng hóa thường không đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ nên khó vào siêu thị. Trong khi hàng của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, sử dụng tiện lợi, thường xuyên có các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng nên các siêu thị thường chọn mua hàng từ những doanh nghiệp trên” - ông Phạm Hữu Chí, Giám đốc Lotte Mart Biên Hòa chia sẻ.

Ông Trang Phúc, Tổ trưởng marketing Co.op Mart, cho hay: “Co.op Mart là nơi luôn ưu tiên hàng đầu cho hàng thuần Việt nếu đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Nhưng hàng thuần Việt tại hệ thống siêu thị chỉ chiếm hơn 20% và chủ yếu mặt hàng rau củ quả, thịt heo, gà, thủy hải sản. Còn các mặt hàng thực phẩm khác chỉ có một số ít doanh nghiệp thuần Việt, còn lại là hàng của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam”. Bên cạnh hàng của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam, gần đây hàng nhập khẩu từ các nước, như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ... về Việt Nam ngày càng nhiều, khá đa dạng từ hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, điện máy.

* Teo tóp hàng “thuần Việt”

Hàng thuần Việt trong các siêu thị tại Đồng Nai chủ yếu chỉ còn ở những mặt hàng mang tính đặc sản của địa phương, vùng miền mà doanh nghiệp FDI chưa chạm đến như: bánh tráng, kẹo dừa, mứt, miến và rau củ. Các mặt hàng trên số lượng bán ra tương đối khiêm tốn. Tại các chợ trong tỉnh, hàng của doanh nghiệp FDI, hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Hóa mỹ phẩm tại sạp bà Ngô Thị Nhung (chợ Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) hơn 90% là hàng doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu từ Thái Lan.
Hóa mỹ phẩm tại sạp bà Ngô Thị Nhung (chợ Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) hơn 90% là hàng doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu từ Thái Lan.

Bà Ngô Thị Nhung, tiểu thương chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), nói: “Gần đây, hàng hóa mỹ phẩm, gia vị của Thái Lan, Malaysia về khá nhiều, giá chỉ ngang bằng hàng Việt nên tôi bán rất chạy. Hàng Việt giờ phần lớn chỉ còn có rau củ quả, thực phẩm tươi sống và nông sản”. Chị Nguyễn Thanh Hà, phường Tân Phong
(TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi sẽ chọn hàng “thuần Việt” nếu đảm bảo chất lượng và giá cạnh tranh. Nhưng hàng thuần Việt phần lớn không xây dựng được thương hiệu lớn mạnh để người tiêu dùng biết đến, nên cùng loại sản phẩm giá ngang nhau nhiều người sẽ chọn hàng nhập khẩu Thái Lan, Malaysia”.

Nhiều tiểu thương bán hàng tại các chợ Long Thành, Biên Hòa, Dầu Giây, Long Khánh...đều khẳng định mặt hàng hóa mỹ phẩm, gia vị, bánh kẹo nhập khẩu về ngày càng nhiều. Những năm trước, chợ truyền thống là những nơi dễ tìm hàng thuần Việt nhất, song hiện nay đang dần bị thay thế bằng hàng Việt của doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu. Trước đây, hàng nhập khẩu chủ yếu những dòng sản phẩm cao cấp, trong nước chưa sản xuất, nhưng 2 năm trở lại đây hàng Thái Lan, Malaysia giá rẻ, trung bình tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Cùng mặt hàng, cùng giá tiền nhiều người tiêu dùng đã chọn hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia vì tin tưởng vào chất lượng hơn.

Trong cuộc chiến giành thị phần, doanh nghiệp hàng thuần Việt đang phải đương đầu với 2 đối thủ mạnh hơn là hàng Việt của doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu. Cuộc chơi giành thị phần này nếu không đảm bảo 3 yếu tố chính là: xây dựng được thương hiệu, giá thành cạnh tranh và sản phẩm sử dụng tiện lợi thì hàng thuần Việt ngày càng bị lấn sân.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,995,995       1/1,292