Kinh tế

Tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, Đồng Nai tham gia vào hội nhập nhanh hơn nhiều tỉnh, thành khác.

Nhưng nếu tỉnh chú trọng hơn đến những lĩnh vực còn yếu và thiếu thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ tăng lên, thu hút đầu tư tốt hơn. 

Các doanh nghiệp đều mong dịch vụ logistics phát triển để giảm chi phí.  Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần cao su màu (TP.Biên Hòa).
Các doanh nghiệp đều mong dịch vụ logistics phát triển để giảm chi phí. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần cao su màu (TP.Biên Hòa).

Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Đồng Nai phản ánh nhiều trong một hội thảo gần đây về tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh là thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

* Cần đơn giản thủ tục

Bên cạnh đó, dịch vụ logistics còn yếu khiến chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Thông quan hàng hóa, cấp CO (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) còn chậm cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu...

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, thì hải quan của tỉnh phải đảm nhận việc quản lý làm thủ tục cho tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai nên lượng hàng hóa làm thủ tục chiếm 8% trên cả nước. Với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn như trên dù đã có nhiều giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hùng Anh, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Unipax ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) cho hàng hóa còn chậm, có khi kéo dài cả ngày khiến doanh nghiệp mất thời gian chờ đợi. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong hải quan tiếp tục rút ngắn thời gian cấp CO để hàng hóa xuất khẩu nhanh”. Đại diện Cục Hải quan Đồng Nai thừa nhận việc cấp CO của nhiều doanh nghiệp phải xác minh hàng hóa mất rất nhiều thời gian. Phía Cục Hải quan Đồng Nai đã đề nghị Tổng cục Hải quan kết nối với các bộ để việc xác minh nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối giữa các bộ để giải quyết thủ tục hành chính còn thấp dẫn đến giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhiều bộ, ngành thường kéo dài, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Trang, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Moland (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Thủ tục hải quan hiện đã được đơn giản và rút ngắn thời gian hơn trước đây nhiều, song một số quy định vẫn còn làm khó doanh nghiệp. Cụ thể, là cùng một mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu về thường xuyên, song đợt nào cũng yêu cầu kê khai làm thủ tục tỉ mỉ gây mất nhiều thời gian khiến hàng hóa chậm đưa vào sản xuất”.

* Để tăng cạnh tranh

Một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định, Đồng Nai chú ý đầu tư phát triển hạ tầng, logistics và rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao hơn nữa.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, những mặt hàng nhập khẩu thường xuyên, hải quan nên đơn giản bớt các thủ tục kê khai, đẩy nhanh tiến độ thông quan sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng tăng lên.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Giải pháp tạm thời để rút ngắn thời gian cấp CO là hải quan các nơi phải linh hoạt. Đơn cử, cùng một lúc một doanh nghiệp nộp 100 bộ hồ sơ xin cấp CO, cán bộ nhận hồ sơ nên hỏi hồ sơ nào cần gấp để ưu tiên giải quyết trước. Như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh, xuất khẩu hàng hóa không bị ách tắc”. Tuy nhiên theo ông Liêm, về lâu dài tỉnh phải hướng đến việc tự cấp CO hoặc siêu điện tử là doanh nghiệp tự kê khai trên mạng để các đơn vị liên quan giải quyết.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài lại lưu ý Đồng Nai và các tỉnh, thành khác chú trọng phát triển logistics, vì chi phí này tại Việt Nam đang chiếm 25% GDP, trong khi nhiều nước chỉ 9-15%. Chi phí logistics quá cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp. “Đồng Nai là tỉnh cửa ngõ về giao thông, địa lý thuận lợi, công nghiệp phát triển nhất nước nhưng logistics không phát triển. Tỉnh nên nghiên cứu, xác định các đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế với cả hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư” - ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn cao cấp Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam nói.

Theo đó, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước tính sẽ tăng trên 30%. Với tốc độ tăng trưởng trên, logistics không có bước đột phá để phát triển thì chi phí logistics không chỉ dừng lại ở 25% GDP mà còn có thể cao hơn nhiều.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,988,498       4/869