Kinh tế

Nghệ nhân chế tác đá cảnh Châu Chí Hùng: Chỉ có sự say mê mới giữ người ta ở lại với nghề

Sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, song nghệ nhân chế tác đá cảnh Châu Chí Hùng lại chọn đất Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) làm nơi lập nghiệp.

Nghệ nhân Châu Chí Hùng.
Nghệ nhân Châu Chí Hùng.

Hiện ông là một trong những nghệ nhân chế tác đá cảnh tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài việc chế tác đá cảnh tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật đặc sắc, ông còn tham gia viết sách về đá cảnh.

Ông Hùng được giới chế tác đá cảnh trong nước biết tên vì không chỉ có tài nghệ cao mà còn là người hiện đang nắm giữ hơn 4 ngàn loại đá, khoáng vật khác nhau trên thế giới. Những tảng đá tưởng như vô tri, qua tay ông trở thành những tác phẩm nghệ thuật có một không hai được giới mê đá cảnh trong và ngoài nước chú ý. Theo ông, chỉ có sự say mê mới giữ người ta ở lại với nghề.

* Mơ trở thành người chế tác đá

 Từng là một kỹ sư xây dựng, vì sao ông lại bỏ ngang để theo đuổi đam mê thu thập và chế tác các loại đá?

- Tốt nghiệp Trường đại học bách khoa chuyên ngành xây dựng dân dụng, tôi dễ dàng xin vào làm một kỹ sư xây dựng trong một công ty. Nghề xây dựng có không ít cơ hội để làm giàu, nhưng năm 1994 tôi đã quyết định bỏ nghề về nhà mở quán ăn để theo đuổi đam mê tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ đá. Từ nhỏ, tôi đã đam mê mỹ thuật và thích tìm hiểu về các loại đá và trong tôi luôn cháy bỏng một ước mơ sau này sẽ trở thành một thợ chế tác đá lành nghề, có thể thổi hồn cho những tảng đá, góp phần phát triển phong trào, thú chơi đá cảnh của Việt Nam. Khi đã trở thành người lao động tự do, thời gian không còn bó buộc, mỗi tháng tôi đều dành vài ngày rong ruổi các nơi để tìm hiểu và chọn ra các mẫu đá ưng ý từ thiên nhiên đưa về, sau đó chế tác tạo thành những  tác phẩm khác nhau.

 Trong hơn 20 năm làm nghề chế tác đá cảnh, tác phẩm nào để lại ấn tượng nhất trong ông?

- Mỗi năm tôi chế tác hàng ngàn tác phẩm, nhưng tác phẩm Ngày về để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi. Tác phẩm này từng được giải ba trong cuộc thi chế tác đá cảnh tại TP.Hồ Chí Minh. Viên đá ấy tôi tìm được tại Quảng Nam và có hình thù khá đặc biệt, nên khi đưa về tôi đã nảy ra ý định tạo nên tác phẩm này. Tác phẩm Ngày về chứa đựng tình yêu thương của tôi với người vợ tảo tần buôn bán để lo cho chồng, cho con và hình ảnh những đứa con mỗi buổi ngóng mẹ trở về. Tác phẩm này năm 2007 được triển lãm tại TP.Hồ Chí Minh, đã được một khách hàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua lại. Sau khi bán tác phẩm rồi tôi luôn thấy tiếc nuối. Sau này có điều kiện, tôi đã định mua lại giữ làm kỷ niệm, nhưng chủ nhân mới của tác phẩm này dứt khoát không bán vì cũng yêu tác phẩm này không kém tôi.

 Không chỉ chế tác đá mà ông còn tham gia viết sách về đá cảnh Việt Nam và được nhiều người mê đá cảnh trong nước coi như một cuốn cẩm nang cho nghề. Cuốn sách này có phải là tất cả những hiểu biết, kinh nghiệm và tâm huyết về nghề của ông?

- Trước khi trở thành một thợ chế tác đá thực thụ, tôi đã bỏ ra hơn 4 năm học về địa chất để hiểu rõ các loại đá, khoáng vật. Có kiến thức căn bản về địa chất nên khi đi tìm đá, tôi dễ dàng nhận diện và phát hiện ra các loại đá, khoáng vật quý có giá trị. Có những người thích và mua những tác phẩm đá chỉ vì thích; còn hiểu rõ về đá, đánh giá được giá trị của từng tác phẩm không nhiều.

Ngay những anh em cùng trong nghề cũng có không ít người nhầm lẫn đánh giá không đúng chất liệu các loại đá nên cũng dẫn đến không ít chuyện “dở khóc dở cười” trong làng chế tác đá. Tôi hoàn thành và in cuốn sách Đá cảnh Việt Nam vào năm 2010. Trong cuốn sách giới thiệu khái quát một số điểm nổi bật của các thú vui thưởng ngoạn đá cảnh có truyền thống lâu đời tại các quốc gia, như: Nhật Bản, Trung Quốc và cách chơi đá cảnh của người Việt Nam. Cuốn sách cũng dành 1 chương hệ thống phân loại đá để giúp người mê đá cảnh, thợ mới vào nghề dễ dàng xác định được viên đá đó thuộc loại nào, chủ đề gì.

 Ông được mời làm giám khảo một số cuộc thi, tham gia giảng dạy nhiều lớp chế tác đá nhưng đều từ chối. Vì sao?

- Đúng là có nhiều cuộc thi về chế tác đá mời tôi làm giám khảo và cũng có những nơi mời tôi giảng dạy nhưng tôi đều từ chối là vì muốn chuyên tâm nghiên cứu để có thể tạo ra những tác phẩm đẹp. Những kiến thức về đá cảnh tôi có được hầu hết đều chuyển tải lại qua cuốn sách, những ai mê đá cảnh và muốn hiểu rõ có thể tìm cuốn sách để đọc hoặc liên hệ trực tiếp với tôi, nếu hỗ trợ được tôi rất sẵn sàng. Nhiều anh em trong làng đá cảnh Việt Nam cũng nói tôi nên tham gia làm giám khảo các cuộc thi để đánh bóng tên tuổi và các tác phẩm của mình sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh. Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi lại khác, tôi muốn tạo ra thật nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị từ đá cảnh để góp phần làm phong phú hơn làng đá cảnh Việt Nam.

* Việt Nam có hơn 3 ngàn loại đá

 Nhiều năm gắn bó với chế tác đá cảnh và được giới trong nghề tại Việt Nam nể trọng, ông đánh giá thế nào về phong trào chơi đá cảnh tại Việt Nam?

- Chơi đá cảnh tại Việt Nam đã có từ lâu nhưng không phát triển. Cách đây hơn 10 năm, phong trào chơi đá cảnh tại Việt Nam mới thực sự phát triển rầm rộ, có thời điểm tạo thành cơn sốt đá cảnh và nghề chế tác đá cảnh ngày càng phát triển. Vốn có sẵn kiến thức về các loại đá nên tôi đã đi khắp nơi trong cả nước, tìm đến những con suối trong rừng sâu của Tây Nguyên, hay những tỉnh vùng cao phía Bắc, như: Hà Giang, Lào Cai để tìm đá. Có những đợt, tôi lặn lội cả tháng trời trong rừng mà không tìm được những viên đá như ý, song cũng có những đợt thu về không ít.

Nhưng đến mỗi nơi, tôi đều tìm những người thích đá cảnh, chỉ cho họ mấy cách cơ bản để nhận ra những viên đá đẹp để sau này họ trở thành những người cung cấp nguyên liệu cho tôi. Cũng nhờ vậy mà tôi mua được nhiều loại đá và khoáng vật hiếm để chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật được người mê đá cảnh trong và ngoài nước yêu thích. Những tác phẩm đá cảnh của tôi tham gia nhiều cuộc thi và đoạt được nhiều giải cao trong cả nước. Niềm hân hạnh lớn nhất của tôi là trước đây khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống đã từng đến thăm gian hàng của tôi trưng bày tại Công viên Tao Đàn (TP.Hồ Chí Minh) và ông tỏ ra rất thích các tác phẩm chế tác từ đá do tôi làm.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham quan những tác phẩm chế tác từ đá của ông Châu Chí Hùng.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham quan những tác phẩm chế tác từ đá của ông Châu Chí Hùng.

 Năm 2015, ông là người duy nhất của tỉnh được tặng danh hiệu nghệ nhân chế tác đá cảnh. Danh hiệu này với ông có phải là niềm vui lớn?

- Được công nhận là nghệ nhân của nghề chế tác đá cảnh tại Đồng Nai là một niềm vui lớn với tôi, vì những cố gắng đóng góp cho nghề của tôi đã được ghi nhận và biết đến. Việc tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi có công đưa nghề về địa phương tôi nghĩ sẽ giúp cho các nghề thủ công trong tỉnh ngày càng phát triển. Đồng Nai là nơi có nhiều sông, suối lưu giữ rất nhiều các loại đá ba-zan có tuổi thọ hàng ngàn năm, gỗ hóa thạch, đá nai phiến ma (loại đá giống như đá granite-hoa cương) trong có chứa tràng thạch, thạch anh, mica trông rất đẹp... Nghề chế tác đá cảnh tại Đồng Nai có thể gắn với du lịch để phát triển thành những sản phẩm lưu niệm đặc biệt của địa phương để thu hút thêm khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và mua về làm vật lưu niệm. 

 Có phải ông là một trong số ít nghệ nhân chế tác đá của Việt Nam có gần đầy đủ bộ sưu tập đá trong nước và thế giới?

- Theo các sách về địa chất trên thế giới thì hiện trên toàn thế giới có khoảng hơn 4 ngàn loại đá các loại và Việt Nam là nơi hội tụ đến trên 3 ngàn loại đá khác nhau. Nguồn nguyên liệu dồi dào sẽ là cơ hội cho phát triển nghề chế tác đá cảnh tại Việt Nam. Trong xưởng của tôi thu thập được hơn 4 ngàn loại đá từ khắp nơi đưa về, có những loại đá tôi đặt hàng mua từ nước ngoài về để chế tác. Vì vậy, xưởng chế tác đá của tôi luôn là điểm đến của nhiều người mê đá cảnh muốn tìm hiểu về nguồn gốc các loại đá hoặc muốn săn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Khách đến tham quan mua hàng không chỉ có người mê đá cảnh trong nước mà còn có nhiều khách nước ngoài.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,993,576       1/876