Kinh tế

Người hồi sinh cây cà phê già cỗi

Phương pháp ghép chồi cải tạo giống cà phê gốc địa phương kém hiệu quả bằng giống mới TR4 và TR9 (do Viện Khoa học - kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn, thích nghi khá tốt với điều kiện và thổ nhưỡng ở Đồng Nai) đã giúp nông dân không phải chặt bỏ trắng cả vườn.

Vườn cà phê ghép của ông Nguyễn Mạnh Huy (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho thu nhập cao.
Vườn cà phê ghép của ông Nguyễn Mạnh Huy (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho thu nhập cao.

Nông dân tiên phong làm được điều này là ông Nguyễn Mạnh Huy ở ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Sau 3 năm ứng dụng phương pháp này, năng suất vườn cà phê của ông đã tăng từ 2 tấn lên 5 tấn/hécta.

* Chăm chỉ ghép từng phần

Trước đây, vườn cà phê của ông Huy diện tích 1,2 hécta với hơn 1.200 gốc có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng rất thấp. Thời điểm đó, để có thu nhập cao hơn, ông Huy chỉ có thể chuyển sang trồng loại cây khác. Nhưng ông lại băn khoăn về chi phí đầu tư lại vườn rất lớn, thời gian cây trồng khác cho thu hoạch lại dài.

Từ đó, qua tìm hiểu ông biết được tỉnh Đồng Nai đang có dự án học tập mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi giống cà phê mới vào gốc cà phê cũ cho năng suất cao, chi phí đầu tư thấp nhưng vẫn cho thu hoạch hằng năm. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình phương pháp ghép và chăm sóc, ông mạnh dạn ghép thử nghiệm 2 giống cà phê TR4 và TR9 trên 200 cây cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép từng phần.

Ông chỉ chọn những cành cà phê ít trái để tiến hành ghép chồi và để lại các cành của giống cũ nhưng cho năng suất cao, nhằm không để mất thu nhập của gia đình trong khi cải tạo vườn cà phê. Ngoài ra, ông còn chọn thời điểm ghép chồi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, ngay sau khi thu hoạch xong cà phê. Do áp dụng tốt các khâu kỹ thuật nên tỷ lệ mắt ghép thành công, đạt trên 90%. Sau gần 2 năm, ông Huy đã hoàn thành việc ghép giống mới cho 1 ngàn gốc cà phê còn lại.

* Cả vườn cà phê trẻ hóa

Ông Huy cho biết: “Sau khi ghép chồi chưa đầy 1 năm thì cây cà phê đã phát triển như cây trồng mới. Đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất vượt giống cũ gấp 2 lần”. Hiện nay, vấn đề trẻ hóa vườn cà phê bằng cách ghép chồi đang được nhiều nông dân địa phương quan tâm. Bởi đối với họ, cách làm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao mà còn là hướng phát triển bền vững cho gia đình.

Cây cà phê được trẻ hóa có nhiều ưu điểm nổi trội, như: phân cành nhiều, kích cỡ hạt lớn, chất lượng tốt và có khả năng kháng bệnh gỉ sắt (một loại bệnh rất phổ biến trên cây cà phê). Đặc biệt, tiềm năng năng suất của những dòng cà phê này có thể tăng hằng năm (đạt từ 5,3-7,3 tấn/hécta). Khi các nhà vườn cà phê tại địa phương đến học tập mô hình trồng phê giống mới, ông Huy không những cung cấp các kiến thức, kỹ thuật cành ghép cho họ mà ông còn trực tiếp đến vườn hướng dẫn cách chăm sóc cà phê và đứng ra cung cấp nguồn chồi giống.

Kim Vũ

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,974,997       1/259