Kinh tế

6 tháng, xuất siêu gần 1 tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Đồng Nai xuất siêu gần 1 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, những nhóm hàng xuất siêu cao, là: giày dép, túi xách, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, cà phê.

Mặt hàng giày dép của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.  Trong ảnh: Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).
Mặt hàng giày dép của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong ảnh: Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016 hơn 7,42 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu gần 6,5 tỷ USD và có xu hướng giảm. Đồng Nai chủ yếu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang hơn 100 thị trường trên thế giới.

* Xuất siêu kỷ lục

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Xuất khẩu giày dép của công ty tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến tháng 8-2016, công ty mở rộng dây chuyền sản xuất để nâng công suất thêm khoảng trên 830 ngàn đôi/tháng. Công ty xuất khẩu sang rất nhiều nước và khá ổn định”. Hiện nay, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 2,73 triệu đôi giày/tháng và đã nhận được đơn hàng đến năm 2018. Các doanh nghiệp sản xuất giày dép lớn khác ở Đồng Nai cũng cho hay, thị trường xuất khẩu mở rộng do các doanh nghiệp đang hưởng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhiều đơn hàng lớn từ nước ngoài tiếp tục dịch chuyển về Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp giày dép đều đang tiến hành mở rộng dây chuyền và tuyển thêm công nhân để tăng sản lượng hàng hóa.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) nói: “Trên 95% hàng hóa của công ty sản xuất là bảng hiệu đèn led được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ. Thủ tục hải quan, thuế hiện rút ngắn được nhiều thời gian giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất sản phẩm xuất khẩu”.

Việt Nam hiện đã ký kết và đàm phán xong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhiều FTA đã có hiệu lực, thuế đang giảm dần. Các doanh nghiệp đang nắm lấy cơ hội này mở rộng sản xuất, tăng xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai có sự chuẩn bị khá kỹ từ vài năm trước để hưởng các lợi thế từ FTA mang lại.

* Tốt hay xấu?

Từ một tỉnh nhập siêu cao, 4 năm trở lại đây Đồng Nai đã chuyển sang xuất siêu và kim ngạch xuất siêu mỗi năm đều tăng. Nếu năm 2014, tỉnh xuất siêu hơn 500 triệu USD thì năm 2015 đã tăng lên khoảng 1,4 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2016 đã đạt gần 1 tỷ USD. Dự kiến năm 2016, xuất siêu của Đồng Nai có thể lên đến gần 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm là do nguồn cung nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng, giá cũng cạnh tranh nên các doanh nghiệp quay về tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đây là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Ngoài ra, giá dầu thế giới giảm sâu nên giá các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất cũng hạ, góp phần kéo kim ngạch nhập khẩu giảm đáng kể.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa).
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa).

Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, nhận định: “Nhập khẩu của Đồng Nai chủ yếu là nguyên liệu và máy móc sản xuất. Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu của tỉnh giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Có 2 nguyên nhân: do nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hạ giá; nguồn cung nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng, doanh nghiệp chuyển qua mua hàng trong nước. Nhập khẩu nguyên liệu giảm nhưng sản lượng hàng hóa xuất khẩu và kim ngạch tăng là điều rất tốt cho nền kinh tế của Đồng Nai cũng như cả nước”. Cũng theo ông Danh, Đồng Nai chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu là do thời gian qua tỉnh đã thu hút đầu tư đúng hướng. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ luôn được tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất, giảm nhập khẩu để tăng dần giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, chủ động dần nguyên liệu sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng đáp ứng được các đòi hỏi về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi tại các nước Việt Nam có ký kết FTA.

“Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có xuất siêu cao của cả nước. Kết quả này là do 3-4 năm trước, tỉnh đã chú ý mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để tăng nguồn cung nguyên liệu nội địa, bớt nhập khẩu. Việc này sẽ giúp công nghiệp phát triển ổn định và xuất siêu tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, nói. Không chỉ năm 2016, những năm tiếp theo khả năng xuất siêu của Đồng Nai sẽ còn tiếp tục gặt hái được những kỷ lục mới vì thu hút đầu tư của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm có nhiều dự án vốn lớn từ 10-60 triệu USD, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,975,166       1/259