Kinh tế

Giết mổ lậu: Không thể dẹp hay không muốn dẹp?

Nhiều năm nay, tình trạng giết mổ lậu được coi là "điểm đen" của Đồng Nai vẫn chưa dẹp được. Các cơ sở giết mổ vẫn ngang nhiên tồn tại trong khu dân cư, thậm chí giữa lòng thành phố...

Bài 1: Ngang nhiên giết mổ lậu

Nhiều năm nay, tình trạng giết mổ lậu được coi là “điểm đen” của Đồng Nai khi danh sách các cơ sở giết mổ không phép có thể thống kê được, song không dẹp được. Các cơ sở giết mổ vẫn ngang nhiên tồn tại trong khu dân cư, thậm chí giữa lòng thành phố...

Trước tình hình này, tỉnh giao trách nhiệm về cho địa phương, thì địa phương kêu khó, cơ quan chuyên ngành cũng kêu khó, nên vấn nạn giết mổ lậu vẫn gây nhức nhối. Thịt trôi nổi lan ra thị trường, trong khi nhà máy giết mổ ở Đồng Nai đạt chuẩn đầu tư cả trăm tỷ đồng đắp chiếu vì không cạnh tranh nổi với những lò giết mổ lậu có chi phí siêu rẻ. Vì sao?

Nguồn heo được vận chuyển ồ ạt từ khu vực phường Long Bình về khu vực chợ Tam Hòa và không có bất cứ hình thức đảm bảo an toàn vệ sinh (ảnh chụp lúc 2 giờ ngày 15-7).
Nguồn heo được vận chuyển ồ ạt từ khu vực phường Long Bình về khu vực chợ Tam Hòa và không có bất cứ hình thức đảm bảo an toàn vệ sinh (ảnh chụp lúc 2 giờ ngày 15-7).

Hiện nhiều địa phương của Đồng Nai vẫn tồn tại rất nhiều cơ sở giết mổ lậu, điển hình như: TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất. Dù tỉnh ra tối hậu thư cho địa phương phải dẹp bằng được những lò giết mổ lậu, nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Dẹp lò mổ lậu trong thời gian qua như “bắt cóc bỏ dĩa”, cũng là nguyên nhân khiến khó có thể quản lý được nguồn thịt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiêu thụ trên thị trường.

* Giết mổ ngay trong khu dân cư

Từ 3-5 giờ sáng, trên nhiều tuyến đường tại 2 phường Long Bình và Trảng Dài rất dễ bắt gặp hình ảnh những con heo được giết mổ rồi vắt ngang qua yên chiếc xe máy mà không cần che đậy gì, từ các khu dân cư vội vã đưa tới chợ để tiêu thụ. Cụ thể, chỉ quan sát trên đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình), có đến cả chục chiếc xe máy từ những con hẻm chở heo ở các lò mổ trái phép đi ra rất vội vã vào những buổi sớm.

Theo thống kê của cơ quan thú y, toàn tỉnh hiện có gần 150 lò mổ lậu. Các cơ sở giết mổ không phép này tập trung nhiều nhất ở TP.Biên Hòa với với số lượng gần 40 lò. Xếp thứ 2 trong danh sách giết mổ lậu là huyện Trảng Bom với 33 lò, tiếp đó là các huyện Long Thành và Thống Nhất gần 20 cơ sở. “Thủ phủ” của giết mổ lậu tại TP.Biên Hòa phải nhắc đến phường Long Bình. Chỉ tính riêng phường này, con số thống kê được cũng lên đến 20 lò, lớn hơn số lò mổ lậu của cả huyện Long Thành (17 lò). Các điểm này giết mổ và vận chuyển heo đi tiêu thụ trong thành phố rất ngang nhiên.

Các cơ sở giết mổ lậu đầu tư khá đơn giản và nằm ngay trong khu dân cư, chính những lò mổ lậu này đã “giết chết” không ít các cơ sở có giấy phép và thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước. Bức xúc trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hiền, chủ Cơ sở giết mổ Hòa Hợp (huyện Xuân Lộc), nói: “Khi có đợt kiểm tra thì lượng heo đưa về lò hợp pháp tăng gấp đôi do các lò mổ lậu tạm nghỉ để nghe ngóng, nhưng qua đợt thì đâu lại vào đấy, thậm chí tình hình giết mổ lậu hiện nay còn lộng hành hơn. Chúng tôi đang ở thế “đâm lao phải theo lao” vì lỡ bỏ tiền tỷ đầu tư, giờ hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, căng thẳng vì không cạnh tranh lại nạn giết mổ lậu”. Cơ sở giết mổ Hòa Hợp là một trong những lò giết mổ tập trung được đầu tư đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc dự án Lifsap. Số vốn đầu tư chỉ tính riêng chi phí xây lò và trang thiết bị lên đến 1,8 tỷ đồng. Cơ sở giết mổ này có công suất vài trăm con heo/đêm, nhưng khi đi vào hoạt động công suất bình quân chỉ từ 50-60 con/đêm.  

* Không kiểm soát được thịt bẩn

Qua theo dõi một số cơ sở giết mổ lậu tại TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành cho thấy, các cơ sở này không thể đảm bảo được vệ sinh, bởi tất cả đều khá tạm bợ, chỗ nhốt heo để chờ làm thịt ngay bên nơi mổ nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Mới đây, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đột kích lò mổ không phép của bà Lê Hồng Điệp (ở ấp 3, xã An Phước, huyện Long Thành), chúng tôi nhận thấy chuồng nhốt heo nằm chung nơi mổ heo, chỉ ngăn cách bằng bức tường cao khoảng 1m, người thợ chỉ cần mở cánh cửa sắt là heo bước sang chỗ mổ. Tại thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở này, trong chuồng còn hơn 30 con heo đang nhốt và 1 con heo đã được mổ xong. Nơi mổ và chuồng heo liền với nhau, bẩn thỉu và không đảm bảo vệ sinh.

Luộc thịt heo tại một lò mổ lậu ở xã An Phước, huyện Long Thành.
Luộc thịt heo tại một lò mổ lậu ở xã An Phước, huyện Long Thành.

Một cán bộ thanh tra của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết hầu hết các lò mổ lậu đều thiết kế đơn giản để tiện di chuyển heo khi giết mổ. Không chỉ mất vệ sinh, nguồn thịt từ các lò mổ lậu này rất khó kiểm soát dịch bệnh và nguồn gốc heo, bởi toàn bộ heo ở đây được mua trôi nổi các nơi đưa về giết mổ.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan liên ngành đã tổ chức kiểm tra đột xuất 65 lò mổ lậu ở nhiều địa phương, có những lò mổ buộc phải đem thịt và heo đi đốt vì nghi heo mắc bệnh, cụ thể như tại một lò mổ kiêm quay heo ở tổ 16, KP.2, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cơ quan chức năng đã thiêu hủy 200kg thịt và heo sống nghi mắc bệnh truyền nhiễm, phạt chủ lò hơn 14 triệu đồng; một lò mổ khác cũng ở KP.2, phường Long Bình cũng phải thiêu hủy hơn 200kg thịt heo và heo sống mắc bệnh, phạt hành chính chủ lò 12 triệu đồng. Ở ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, UBND xã cũng thiêu hủy 40kg thịt heo dùng để quay nghi mắc bệnh truyền nhiễm; tại xã Gia Tân 3 của huyện này cơ quan thú y cũng kiểm tra một lò giết mổ không phép và đốt 510kg thịt heo mắc bệnh truyền nhiễm.

Nhiều trường hợp heo bị bệnh ở các lò mổ khác được phát hiện cũng đã được tiêu hủy. Trong số 65 lò mổ lậu được kiểm tra từ đầu năm đến nay số lượng thịt và nội tạng heo phải tiêu hủy do heo bệnh lên đến gần 4 tấn. Trong khi đó các lò mổ lậu mà các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chiếm chưa đến 1/2 tổng số lò mổ lậu trên toàn tỉnh. Như vậy, lượng thịt heo mất kiểm soát về an toàn thực phẩm trên thị trường là rất lớn.

Nhóm P.V kinh tế

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,995,264       15/1,349