Kinh tế

Xuất khẩu giày dép bội thu

Năm 2016, ước tính kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai đạt hơn 3,14 tỷ USD, chiếm trên 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Trong khi bình quân xuất khẩu các mặt hàng chỉ đạt mức tăng gần 8%, thì giày dép tăng trưởng gần 20% so với năm trước.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).

Theo Sở Công thương, giày dép là mặt hàng đứng đầu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giày dép sản xuất ở Đồng Nai xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia. Năm 2017, dự kiến ngành giày dép Đồng Nai tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan hơn, vì hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng lớn đến năm 2018.

Đạt kỷ lục mới

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu giày dép  của Đồng Nai là hơn 3,14 tỷ USD. Những thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh năm 2016 vẫn giữ mức tăng cao là Hoa Kỳ với trên 24%, Trung Quốc 25%, Hà Lan 97%, Anh 15%... Riêng thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu giày dép là hơn 1,3 tỷ USD.

Trong 4 mặt hàng thường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của tỉnh (giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ) giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu và mức tăng trưởng cao nhất. Với kim ngạch xuất khẩu như trên, ngành giày dép tiếp tục đạt kỷ lục mới và góp phần rất lớn trong việc đẩy xuất siêu của Đồng Nai tăng cao, lên đến hơn 2,12 tỷ USD.

Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina (TP.Biên Hòa), cho hay: “Năm 2016, công ty đã tuyển thêm hơn 5 ngàn công nhân để mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất. Với 35 ngàn công nhân, công ty sản xuất gần 120 ngàn đôi giày/ngày. Hiện công ty đã nhận được đơn hàng đến đầu năm 2018 và dự kiến trong năm tới tiếp tục tuyển thêm công nhân để mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng lớn”. Công ty cổ phần Taekwang Vina là một trong 4 doanh nghiệp có sản xuất giày dép lớn nhất của Đồng Nai. Sản phẩm của công ty này chủ yếu gia công cho thương hiệu giày lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Trung bình mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 110 ngàn đôi giày các loại và hầu hết là xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Đến thời điểm này, công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý I-2018. Tuyển dụng công nhân ngày một khó, công ty sẽ mở rộng sản xuất bằng cách đầu tư máy móc hiện đại và robot để giảm lao động”. Cũng theo ông Phương, Việt Nam có uy tín, tay nghề cao trong sản xuất giày nên những đơn hàng lớn đổ vào ngày càng tăng. Việc các doanh nghiệp lo lắng nhất không phải là thiếu đơn hàng mà là không tuyển dụng đủ lao động để tăng công suất. Do đó, dù đầu tư máy móc mới và robot khiến chi phí sản xuất tăng cao, nhưng công ty vẫn phải làm để chủ động và giảm áp lực về lao động.

Tăng nguồn nguyên liệu trong nước

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giày dép nhận định, ngành giày dép trong 3-4 năm trở lại đây giữ được mức tăng trưởng cao và thị trường này càng rộng mở là nhờ công nhân có tay nghề cao và doanh nghiệp luôn giữ chữ tín. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã chú ý đến sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành giày dép để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Do đó, giày dép xuất khẩu sang những nước mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, đã tăng được khả năng cạnh tranh với các nước. Nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành giày dép tại Việt Nam hiện đã đáp ứng được 60-90% cho các đơn hàng.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Trước đây khoảng 4 năm, nguyên phụ liệu ngành sản xuất giày dép phải nhập khẩu từ 85-90%. Song hiện nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước đã tăng cao và giá cả rất cạnh tranh. Nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước có sẵn đã giúp các doanh nghiệp giày dép chủ động được sản xuất và hưởng những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu”. Gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến Đồng Nai và các tỉnh, thành khác ngày một nhiều, mục tiêu đầu tiên là sản xuất nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước và sau đó mới đến xuất khẩu.

Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, các tập đoàn, công ty mẹ đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo công ty con và giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp khác cùng đầu tư làm vệ tinh để cung cấp những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, nguồn cung nguyên liệu trong nước tăng lên đáng kể giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất và giá trị gia tăng cho các đơn hàng cũng được nâng lên, nhờ vậy ngành giày dép của Đồng Nai tăng khả năng cạnh tranh và thu hút được nhiều đơn hàng lớn.

 Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,024,746       1/448