Diễn biến tội phạm môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn phức tạp. Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng khai thác cát trái phép dọc các tuyến sông gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Rác thải tại khu vực xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). |
Tình trạng đổ trộm, chôn lấp chất thải chưa qua xử lý; các cơ sở giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh… cũng khiến người dân bất an về môi trường sống đang bị đe dọa.
Hơn nửa cơ sở kinh doanh cát trái phép
Có thể nói, tình trạng khai thác cát trái phép trên các đoạn sông qua địa bàn Đồng Nai thời gian qua diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa… Ở nhiều địa phương, việc bơm hút cát trái phép thậm chí diễn ra giữa ban ngày khiến người dân rất bức xúc, bởi việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản, sạt lở bờ sông. Như tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch), việc bơm hút cát trái phép đã làm sạt lở hơn 40 hécta đất ruộng ven bờ của người dân, nhiều người phải bán nhà ra đi vì lo sợ một ngày không xa đất của họ bị trôi tuột xuống sông.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây, đại biểu Đồng Thị Quế Anh cho biết tình trạng khai thác cát sông trái phép trong thời gian qua khiến người dân bức xúc, nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để. Đại biểu Quế Anh đề nghị các ngành chức năng tăng cường lực lượng để xử lý tình trạng này.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh, nhận định việc khai thác cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Toàn tỉnh hiện có 60 bến bãi kinh doanh cát xây dựng, qua rà soát cơ quan chức năng phát hiện 35 bến bãi có biểu hiện tiêu thụ cát từ các nguồn khai thác trái phép. Điều đó cho thấy, hơn nửa số bãi cát đang kinh doanh đã tiếp tay cho việc khai thác cát trái phép.
Để giải quyết tình trạng này, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lập các đội kiểm tra, phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép, trong đó công an là lực lượng nòng cốt. Lực lượng công an đã bố trí tuần tra, mật phục ban đêm để kịp thời phát hiện các trường hợp khai thác cát trái phép và công an các huyện chịu trách nhiệm đối với tình trạng này.
Môi trường sống bị đe dọa
Một thực trạng gây bức xúc cho người dân thời gian qua là tình trạng ô nhiễm xuất phát từ việc đổ trộm, chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường; các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư, giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh…
Tại một số địa phương, việc xe tải chở chất thải chưa xử lý đến các khu đất trống vắng người đổ trộm thường xảy ra, như ở các xã: Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), Thiện Tân, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), Tam An (huyện Long Thành); thậm chí cũng xảy ra ở các phường, xã của TP.Biên Hòa, như: Long Bình, Trảng Dài, Phước Tân… Từ chỗ chỉ vài xe, dần dần các điểm này trở thành bãi chứa chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gây nhiều bức xúc cho người dân do nước thải đổ ra môi trường. Việc tổ chức giết mổ lậu gia súc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khiến người dân bất an.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng thừa nhận, hiện có gần 100 cơ sở giết mổ không phép đang hoạt động. Đây là thực trạng gây ô nhiễm môi trường sống của người dân, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để. Hiện tỉnh đang khẩn trương triển khai các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo các điều kiện về môi trường.
Trần Danh