Kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái: Tôi mong doanh nghiệp Đồng Nai xây dựng được nội lực vững vàng

Năm 2016, Đồng Nai có khoảng 2,8 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 17,5 ngàn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết giữa rất nhiều thành tích và con số, ông vui mừng với kết quả trên bởi Chính phủ đang rất quan tâm trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tham quan Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: K.NGÂN
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tham quan Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: K.NGÂN

Theo đó, khởi sự một doanh nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi ở bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lâu đời, kỳ cựu ở những thị trường khắt khe nhất. Hội nhập mở ra nhiều cơ hội, nhiều thách thức và có những “cái giá” riêng phải trả cho sự tồn tại và lớn mạnh. Và để làm được điều đó, đòi hỏi một nội lực vững vàng.

* Thách thức ngày một rõ hơn

* Năm 2017, tỉnh phấn đấu đưa GRDP tăng 8-9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7-9%, 100% các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung. Để đạt được những chỉ tiêu trên, tỉnh cũng đề ra 8 giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhằm tạo ra các bước đột phá.


* Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh trong năm 2017, các sở, ngành, địa phương cần căn cứ vào kế hoạch được giao, có những đột phá, thực hiện tốt mục tiêu về kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để tăng thu hút đầu tư; đồng thời đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, cho người có thu nhập thấp và đầu tư nhà ở cho đối tượng người có công...

Nhìn lại năm 2016, dù 23/24 chỉ tiêu đề ra đã đạt được, song nhìn chung tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu kinh tế liên quan không giữ được mức tăng cao như năm trước. Ông nhìn nhận điều này ra sao?

- Trong 24 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm  2016, Đồng Nai có 23 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 tăng 8,2% so với năm trước, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng hơn 9%; dịch vụ tăng 9% và nông, lâm, thủy sản tăng hơn 4,1%.

Một số điểm nổi bật là: trong khi giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong cả nước năm 2016 dự kiến chỉ tương đương năm trước (không tăng trưởng) thì tại Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng hơn 4,1%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng mạnh với tổng vốn thu hút trên 2 tỷ USD và đặc biệt, 2016 vẫn là năm Đồng Nai có những bước chuyển rất lớn về hạ tầng: đường cao tốc, cầu vượt, hầm chui… với vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế của tỉnh năm 2017 và cả những năm sắp tới.

Nhiều năm trên cương vị điều hành một địa phương phát triển năng động về kinh tế, ông cho rằng năm 2017 sẽ là một năm khó khăn hay thuận lợi cho doanh nghiệp?

- Sẽ khó nói trước được điều gì trong điều hành kinh tế ở bối cảnh thị trường luôn có những thay đổi nhanh chóng như hiện tại. Thời điểm này năm trước, 2 sự kiện quan trọng là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán và thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) làm nhiều doanh nghiệp kỳ vọng khá lớn ở năm 2016, dù vẫn ý thức được những thách thức. Song thực tế kinh doanh của năm 2016 cho thấy nhiều khó khăn hơn chúng ta tưởng, trong đó mới nhất là TPP vẫn chưa rõ “số phận” trong khi rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có những đầu tư thực tế để đón đầu TPP.

Như chúng ta thấy, thách thức đã đến rất gần, rất rõ trong mọi ngành nghề mà doanh nghiệp tham gia. Khi Chính phủ chọn lựa tham gia, ký kết các hiệp định thương mại song phương hay đa phương hẳn là có cân nhắc rất kỹ chuyện “được - mất”. Song cá nhân tôi cho rằng, nắm được cơ hội hay không phần lớn nằm ở nội lực của mỗi doanh nghiệp. Một khi đã vững vàng về nội lực thì câu chuyện cạnh tranh sẽ nhẹ nhàng hơn. Chính vì vậy, Đồng Nai đã và đang nỗ lực đồng hành để tạo một môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp phát huy nội lực của mình.

* Mong Đồng Nai trở thành vùng đất khởi nghiệp hấp dẫn

Khởi nghiệp đang là câu chuyện “nóng” từ Chính phủ đến các địa phương. ông suy nghĩ gì về điều này?

- Điều làm tôi phấn khởi là dù tình hình kinh tế khó khăn, song tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp vẫn cao. Riêng tại Đồng Nai, thu hút đầu tư trong nước năm 2016 đạt 12,8 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra khoảng 28%. Các doanh nghiệp thành lập mới có ngành nghề đăng ký sản xuất, kinh doanh khá đa dạng, như: kinh doanh, chế biến nông sản, gỗ, phân phối hàng hóa...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp khởi nghiệp để dần tạo nên một nền móng và nội lực vững vàng cho quốc gia. Suy nghĩ của tôi cũng không nằm ngoài ý đó. Hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ, cần hỗ trợ khởi nghiệp và phải có những chính sách thật cụ thể để mỗi doanh nghiệp khi bắt đầu ý định làm ăn an tâm phần nào vì được khuyến khích, hỗ trợ từ Nhà nước.

Chính quyền địa phương có thể làm những gì để hỗ trợ khởi nghiệp, thưa ông?

- Như tôi chia sẻ ở trên, khởi nghiệp đã khó, giữ cho một doanh nghiệp tồn tại và lớn mạnh còn khó hơn, nhưng để đạt được mục tiêu “quốc gia khởi nghiệp”, không phải chỉ doanh nghiệp cố gắng là được. Cái cốt lõi nhất để khuyến khích doanh nghiệp phát triển chính là cải cách hành chính, loại trừ các thủ tục rườm rà, phức tạp, xóa bỏ cơ chế xin-cho, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động… để tạo một môi trường thuận lợi nhất, khích lệ tinh thần cho những người muốn bắt tay khởi sự một doanh nghiệp. Tôi hiểu điều này không phải một sớm một chiều và ở góc độ địa phương, chúng tôi phải tuân thủ các quy định chung, song Đồng Nai vẫn đang giữ vững phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” và tôi mong muốn ít nhất phải tạo được một môi trường mà doanh nghiệp muốn đến lập nghiệp, làm ăn.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp với trên 700 ngàn công nhân, nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ nhóm đối tượng này rất lớn. Theo quy định hiện nay tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, chỉ cho phép hoán đổi bằng tiền đối với phần diện tích 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô nhỏ hơn 10 hécta. Đồng thời, đối với quỹ đất 20% nhận bàn giao từ các dự án nhà ở thương mại, thực tế một số vị trí do hạ tầng xã hội còn thiếu, xa khu dân cư, xa nhà máy nên chưa phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Để triển khai có hiệu quả và đẩy nhanh công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đề nghị cho phép tỉnh được xử lý, hoán đổi thành tiền phần diện tích 20% đối với cả những dự án có diện tích trên 10 hécta; và cho phép xem xét bán đấu giá quỹ đất 20% nhận bàn giao từ các dự án nhà ở thương mại có vị trí không phù hợp xây dựng nhà ở xã hội. Tiền thu được sẽ bổ sung vào quỹ phát triển nhà ở để đầu tư nhà ở xã hội tại vị trí khác thuận lợi hơn.

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,019,135       2/1,104