Kinh tế

Triệu phú đọt khổ qua rừng

Vườn khổ qua rừng của bà Phan Thị Phượng (ấp 7, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ) được nhiều người biết tiếng vì là rau đặc sản, ít đụng hàng.

Bà Phan Thị Phượng, chủ vườn đọt khổ qua rừng có diện tích lớn nhất tại huyện Cẩm Mỹ.
Bà Phan Thị Phượng, chủ vườn đọt khổ qua rừng có diện tích lớn nhất tại huyện Cẩm Mỹ.

Nhận thấy món rau rừng này ngày càng được thị trường ưa chuộng, bà Phượng đã mạnh dạn chuyển đổi 2 hécta vườn chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn kém năng suất sang trồng khổ qua rừng lấy đọt, đem lại nguồn thu nhập cao.

* Đi tiên phong trồng rau rừng

Bà Phan Thị Phượng kể: một lần đi ăn tiệc, thấy món lẩu khổ qua rừng được nhiều thực khách ưa chuộng nên bà có ý tưởng trồng giống rau đặc sản này.

Vào mùa mưa, khổ qua rừng mọc rất nhiều ở các lô cao su hoặc vùng đất trống, bà Phượng bỏ công đi nhổ cây giống về trồng trong vườn nhà. Thời gian đầu bà chỉ trồng thử nghiệm vài bụi. Thấy rau phát triển tốt, bà mới mạnh dạn nhân rộng phủ kín 2 hécta đất rẫy của gia đình. Bà Phượng so sánh: “Trồng chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn phải xử lý thuốc, phân nhiều nên vốn đầu tư cao. Trồng chôm chôm ở vùng đất trũng, nhiều vụ gia đình tôi mất trắng vì bị ngập úng. Còn khổ qua rừng không tốn tiền mua giống rau lại mọc rất khỏe, ít sâu bệnh nên hầu như không tốn chi phí phân, thuốc. Chỉ làm bài toán đơn giản là thấy loại rau này cho lợi nhuận cao hơn hẳn”.

Bà Phượng lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn rau để thu hoạch quanh năm, không lo rủi ro mất mùa, mất giá. Vườn rau rừng dễ chăm sóc, chủ yếu chỉ cần làm cỏ, cắt ngọn rất phù hợp với lao động là phụ nữ, người già. Vườn rau đặc sản của bà Phượng ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua vì rau được trồng sạch, không lạm dụng phân, thuốc.

* Mở thị trường cho rau đặc sản

Theo bà Phượng: “Một ký đọt khổ qua rừng tôi bán với giá dao động từ 45-50 ngàn đồng. Đây là mức giá khá tốt nếu so với nhiều loại rau, quả hiện nay. Trồng loại rau đặc sản này lại ít đụng hàng, giá bán ổn định quanh năm, không lo mất mùa, mất giá như với nhiều loại nông sản khác”.

Tính đầu ra ổn định cho khổ qua rừng, bà Phượng không chỉ đầu tư vào sản xuất mà còn trở thành bà chủ chuyên kinh doanh đọt khổ qua rừng. Bà Phượng chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi đem rau ra chợ bán cho các bà nội trợ mua về ăn hàng ngày nên chỉ tiêu thụ được với số lượng ít. Tôi chủ động đi chào hàng khắp nơi, kiếm mối bỏ sỉ với số lượng lớn, thường xuyên. Dần dần, tôi mở rộng được các kênh tiêu thụ là các quán ăn, nhà hàng, các đơn vị chuyên tổ chức đám, tiệc...”.

 Bà Phượng trở thành đầu mối chuyên cung cấp sỉ cho nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh. Bà tổ chức hẳn một đội nhân công cả chục người chuyên chăm sóc, thu hoạch để luôn đảm bảo đủ nguồn rau rừng tươi non cung cấp đi khắp nơi.

Thúy Hằng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,151,725       25/1,037