Kinh tế

Mỹ rời TPP, xuất khẩu có chậm lại?

Nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch trên 4,2 tỷ USD/năm, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vì thế, thông tin Mỹ không tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến nhiều doanh nghiệp (DN) "vỡ mộng" mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.

Nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch trên 4,2 tỷ USD/năm, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vì thế, thông tin Mỹ không tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “vỡ mộng” mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).

Theo Sở Công thương, mặt hàng các DN Đồng Nai xuất khẩu vào Mỹ nhiều là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ. Đây cũng là 3 mặt hàng chủ lực của tỉnh trong xuất khẩu. Do đó, nhiều DN Đồng Nai kỳ vọng nếu TPP được ký kết, thuế về 0% thì xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng mạnh và sức cạnh tranh cũng tốt hơn.

* Không ảnh hưởng nhiều

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai nên mọi thay đổi về hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu hàng hóa đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến DN. Do đó, mọi thông tin về thị trường này rất được DN quan tâm và mong muốn được biết sớm để có sự điều chỉnh kịp thời, ít ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu đang có.

Trên thực tế, TPP mới đang trong giai đoạn đàm phán, chưa ký kết nên các DN gần như không phải chịu bất cứ thiệt thòi trực tiếp nào về các đơn hàng đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không tham gia TPP cũng khiến nhiều DN của Đồng Nai hụt hẫng, vì một số DN đã có sẵn kế hoạch mở rộng sản xuất, tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như những nước cùng tham gia TPP.

Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Lovetex Industrial Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty chuyên sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và 70% hàng hóa xuất khẩu đi các nước. Mỹ là một trong những thị trường lớn của công ty nếu Mỹ gia nhập TPP thì DN có thể tăng xuất khẩu vào thị trường này và những nước cùng tham gia TPP. Nhưng TPP gián đoạn vì Mỹ rời khỏi cũng không ảnh hưởng lớn đến công ty”. Theo bà Linh, không có TPP thì các đơn hàng xuất khẩu của DN vào thị trường trên vẫn có. Song nếu ký kết các loại thuế giảm về 0%, giá thành sản phẩm sẽ hạ giúp tăng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước khác trong khối ASEAN, Trung Quốc...

Theo ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), Mỹ rời TPP các DN sẽ mất đi cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường trên. Song Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới nên DN cũng có thể điều chỉnh sản xuất hướng đến những thị trường khác chưa khai thác hết tiềm năng. “Hơn 10 hiệp định thương mại tự do đã được nước ta ký kết nên cơ hội mở ra cho các DN rất lớn. Do đó, TPP không đem lại kết quả như mong đợi cũng giống như mất đi cái chúng ta sắp có, cũng không ảnh hưởng nhiều” - ông Dân nhận định.

* Vẫn lo các rào cản

Mỹ rút khỏi TPP, điều các DN lo lắng nhất là tổng thống mới sẽ thay đổi một số chính sách bằng cách tăng thêm hoặc thay đổi các hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu những hàng rào kỹ thuật được dựng lên khắt khe hơn trước, DN nhiều nước thường thích nghi nhanh hơn DN Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới nếu Mỹ ban hành hàng rào kỹ thuật cho một số mặt hàng Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường trên thì có khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào nước này sẽ giảm, bởi DN Việt Nam phải mất thêm một thời gian để điều chỉnh.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng khẳng định: “Xuất khẩu của Đồng Nai trong quý III và IV-2017 có thể sẽ chậm lại. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng cùng loại của các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ. Nguyên liệu đầu vào cho nhiều mặt hàng tăng nhưng sản phẩm đầu ra không tăng, nhiều DN khó mở rộng sản xuất”. Ông Dũng còn nhấn mạnh thêm, tới đây Mỹ sẽ ban hành thêm những hàng rào kỹ thuật cho nhiều mặt hàng nhập khẩu, đây là khó khăn lớn nhất cho DN. Như vậy, những mặt hàng đang xuất khẩu vào thị trường này có thể bị những rào cản mới ngăn lại, DN Đồng Nai cần có thời gian để thay đổi cho phù hợp.

“Vấn đề các DN xuất khẩu ngại ngần nhất là hàng rào kỹ thuật điều chỉnh theo hướng khắt khe hơn. Bởi có thể điều chỉnh này sẽ liên quan đến quy trình sản xuất, xuất xứ hàng hóa khiến DN phải thay đổi đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu và các quy trình khác” - ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), nói.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,151,303       11/1,034