Kinh tế

Khó vào cụm công nghiệp

Theo quy định hiện hành, việc đầu tư hạ tầng của cụm công nghiệp lại kém hấp dẫn hơn khu công nghiệp (KCN) dẫn đến giá thuê đất cao.

Một góc Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đang được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.
Một góc Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đang được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.

Cụm công nghiệp dành cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di dời vào. Quốc hội vừa lấy ý kiến đóng góp dự thảo cho Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ về mặt bằng sản xuất là cụm công nghiệp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với đầu tư cụm công nghiệp.

* Nhu cầu lớn

Vừa qua, Chi hội Công nghiệp hỗ trợ của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh giới thiệu cho một cụm công nghiệp để các doanh nghiệp có mặt bằng ổn định đầu tư sản xuất. Trước đó, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng có kiến nghị xin đầu tư một cụm công nghiệp để có mặt bằng sản xuất. Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, chia sẻ: “Có 2 món mà doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn nhất là tiếp cận vốn và mặt bằng sản xuất. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ đều phải “tự bơi”. Các doanh nghiệp sản xuất cứ thuê được mặt bằng ở đâu thì vào đó xây dựng nhà xưởng sản xuất, nên khi bị cơ quan chuyên môn kiểm tra đều vi phạm. Nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất nhiều”.

Theo số liệu của Sở Công thương, hiện trong tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 4 cụm công nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, 2 cụm đang triển khai xây dựng hạ tầng, 15 cụm đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng, 3 cụm có doanh nghiệp xin đầu tư, 2 cụm đang mời gọi đầu tư và 1 cụm xin điều chỉnh vị trí quy hoạch. Tổng diện tích khoảng 1,5 ngàn hécta, phân bổ ở khắp các địa phương.

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương, cho biết phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nên chưa đáp ứng được nhu cầu di dời của các cơ sở sản xuất vào đây. Cũng theo ông Dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, kéo dài trong nhiều năm, là: thủ tục đầu tư kéo dài, vướng giải phóng mặt bằng và năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu.

* Bất hợp lý giữa cụm và khu

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho rằng chính sách đầu tư giữa cụm công nghiệp và KCN hiện nay còn bất hợp lý. Về chính sách, Nhà nước không quan tâm đến cụm công nghiệp mà chỉ quan tâm đến KCN. “Chính sách đầu tư KCN thì được ưu đãi, còn cụm công nghiệp lại không được ưu đãi. Quy mô cụm công nghiệp nhỏ không quá 75 hécta, trong khi đó quy hoạch chi tiết của cụm công nghiệp theo chuẩn quy hoạch của KCN, như vậy đất cho thuê ở cụm công nghiệp rất đắt. Đây là điều bất hợp lý” - ông Nguyện nói. Quả thực đây là vấn đề bất hợp lý, bởi cụm công nghiệp ưu tiên cho các cơ sở, hộ sản xuất và doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng vốn ít lại phải chịu phí cao.

Để hỗ trợ cho các chủ đầu tư cụm công nghiệp, năm 2016 tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từ 15-20 tỷ đồng tùy theo diện tích, ngoài ra còn có những hỗ trợ khác cho nhà đầu tư thứ cấp. Việc hỗ trợ cho đầu tư cụm công nghiệp như ở Đồng Nai không phải tỉnh nào cũng thực hiện được vì còn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của từng tỉnh, vì vậy phải có chính sách chung của cả nước. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sonadezi, việc hỗ trợ này là cần thiết, nếu không cụm công nghiệp rất khó có nhà đầu tư. Bà Hằng cũng minh chứng, trong cụm công nghiệp khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhà đầu tư sẽ rất nản vì quá tốn kém. Ông Dân cho biết thêm, sở cũng đã kiến nghị Bộ Công thương sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về phát triển cụm công nghiệp để bổ sung các chính sách ưu đãi cụm công nghiệp tương đương với KCN, các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp cũng được hưởng ưu đãi như nhà đầu tư thứ cấp ở KCN.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,129,648       2/834