Kinh tế

Sản xuất xanh: Xu thế sống còn

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Đồng Nai đã tổ chức Tuần lễ Đồng Nai xanh nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Mục tiêu hướng đến là sản xuất sạch, sử dụng công nghệ thân thiện tạo ra sản phẩm xanh, sạch, an toàn.

Chăn nuôi theo mô hình khép kín để bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).
Chăn nuôi theo mô hình khép kín để bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).

Từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã đóng cửa rừng để bảo vệ rừng tự nhiên, đa dạng sinh học. Trong sản xuất công nghiệp, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao đều bị từ chối; khuyến khích những dự án có công nghệ thân thiện với môi trường. Lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được tỉnh sắp xếp lại để tạo ra những vùng sản xuất sạch.

* Vươn đến công nghiệp xanh

Khoảng 5 năm nay, định hướng thu hút đầu tư vào công nghiệp, Đồng Nai đã có sự lựa chọn kỹ càng. Các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường được ưu tiên mời gọi, còn những dự án dễ gây ô nhiễm bị từ chối. Tỉnh cũng hình thành các khu công nghiệp và phân theo chuyên ngành để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc liên kết cung ứng sản phẩm, nguyên liệu cho nhau và để việc xử lý nước thải tốt hơn. Đồng Nai hiện có 30/32 khu công nghiệp có dự án đi vào hoạt động đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động để kiểm soát chất lượng nước trước khi xả ra sông.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho hay: “Đồng Nai có 17 khu công nghiệp đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường để giảm sát. Do đó, khi nước thải chưa đạt chuẩn xả ra môi trường sẽ phát hiện được ngay để xử lý, nên hơn 1 năm nay  chất lượng nước sông Đồng Nai, Thị Vải đoạn qua Đồng Nai tốt hơn”.

Theo yêu cầu của tỉnh, tới đây những doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp ra sông nếu có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm trở lên cũng phải tự lắp đặt trạm quan trắc tự động và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường để giám sát.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết do có sự lựa chọn nên các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp những năm gần đây đều có công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm cho môi trường. Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến chuyển đổi công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm tốt, thân thiện với môi trường hơn.

* Sản xuất nông nghiệp sạch

Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước quy hoạch được vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và đề ra lộ trình di dời các trại chăn nuôi vào để kiểm soát chất thải, bảo vệ môi trường. Các trang trại áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn sinh học để cho ra sản phẩm xanh, sạch. Hiện toàn tỉnh có gần 1 ngàn trang trại, hộ gia đình làm theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) được cấp chứng nhận.

Đồng Nai vừa hình thành chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây, các sản phẩm đưa vào chợ đều an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Các địa phương trong tỉnh đang tiến hành hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình sạch và hoàn tất các thủ tục để có giấy chứng nhận đưa sản phẩm vào chợ đầu mối.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ nhiều năm nay Đồng Nai luôn phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn. Nhiều nông dân tại Đồng Nai đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn nên kết quả lấy mẫu ngẫu nhiên trên rau, củ, quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ, đa phần đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở ngưỡng cho phép. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đã yêu cầu các địa phương sắp xếp lại sản xuất theo hướng sạch để đưa sản phẩm vào chợ đầu mối, giúp nông dân có đầu ra ổn định giá cao và tiến đến có thể xuất khẩu”. Nhiều hợp tác xã, trang trại, câu lạc bộ trong tỉnh đã ký kết sẽ sản xuất nông sản sạch.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,126,555       8/827