Kinh tế

Hết heo, lại lo đến gà

Sau khủng hoảng thừa với con heo, người chăn nuôi gà cũng đang kêu cứu vì giá trứng gà, thịt gà bán ra ở mức thấp suốt thời gian dài, trong đó có nguyên nhân giá thịt heo giảm mạnh đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của mặt hàng thịt và trứng gia cầm.

Giá heo rẻ kéo giá các sản phẩm gia cầm giảm theo. (Ảnh chụp tại trại chăn nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành).
Giá heo rẻ kéo giá các sản phẩm gia cầm giảm theo. (Ảnh chụp tại trại chăn nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành).

Đầu tư chăn nuôi chuyên nghiệp, làm chuỗi liên kết sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng…được cho là hướng đi để ngành chăn nuôi gia cầm tránh được “vết xe đổ” của ngành nuôi heo.

* Giá heo “kéo” giá gà hạ

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (TP.Biên Hòa), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, có thời điểm giá gà công nghiệp, gà lông màu đều giảm thấp hơn hẳn giá thành sản xuất, gây khó khăn cho cả nông dân và doanh nghiệp (DN). Sự dư thừa của thịt heo cũng gây ảnh hưởng đến giá gia cầm vì tất cả đều đựng trong một rổ thực phẩm, món này được sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của món kia”.

Khó khăn nhất hiện nay là các trại nuôi gà đẻ trứng. Hiện giá trứng gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi nhỏ lẻ bán ra vẫn ở mức 700-800 đồng/trứng. Nếu mức giá này vẫn kéo dài, người nuôi gà khó tồn tại vì càng nuôi càng lỗ. Không chỉ giá trứng mà giá gà loại thải cũng giảm từ 33 ngàn đồng/kg, xuống còn 28-25 ngàn đồng/kg.

Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), bức xúc: “Tình trạng heo, gà tồn hàng, giá thấp đã kéo giá trứng giảm. Sức tiêu thụ trứng cũng giảm hẳn do người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thịt heo nhiều vì giá quá rẻ”. Theo đó, lượng trứng tồn ngày càng tăng, trứng càng để lâu giá càng thấp, có lúc chỉ còn 400-500 đồng/trứng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ đầu năm đến nay giá trứng gà giảm mạnh, Thanh Đức đã lỗ đến 2 tỷ đồng/tháng. Ông Đức cho rằng nếu giá trứng vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp thì nông dân lẫn DN không biết xoay xở ra sao.

* Vẫn còn cơ hội phát triển

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Nhẫn, chủ trại nuôi gà đẻ trứng tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển cho con gà. “Giá thịt và trứng gà có giảm nhưng thị trường vẫn tiêu thụ tốt. Để cân đối lại cán cân cung - cầu, nhiều trại gà đã thực hiện ngay việc giảm đàn. So với con heo, vòng đời cả con gà thịt và gà đẻ đều ngắn hơn, khi thị trường xuất hiện tình trạng thừa thì dễ dàng giảm đàn để cân đối cung - cầu” - ông Nhẫn nói.

Chia sẻ bí quyết vượt qua cơn khủng hoảng khi giá gà đột ngột xuống đáy, ông Dương Anh Tuấn kể: “Vài tháng trước khi con gà đột ngột rớt giá, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, DN không bán ra thị trường mà tổ chức giết mổ, cấp đông chờ giá tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền giết mổ, sơ chế, chế biến để chủ động hơn về đầu ra. Chính vì vậy, chăn nuôi phải xây dựng chuỗi và tùy vào lợi thế của mình mà tham gia vào từng khâu trong chuỗi khép kín đó”.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng con gà gặp khó trước con heo vì từ năm ngoái, người nuôi gà đã điêu đứng do áp lực cạnh tranh với gà nhập giá rẻ. Riêng nuôi gà đẻ trứng lại thuận lợi hơn nên người nuôi tăng đàn và hậu quả là phải đối mặt với khó khăn cung vượt cầu. Ông Quyết cũng chỉ rõ: “Việc thành lập chuỗi liên kết chúng ta đã nói nhiều năm nay, nhưng thực tế chưa có mấy chuỗi thành công. Riêng hiệp hội hiện đã hình thành được chuỗi liên kết với quy mô khoảng 4 triệu con gà thịt. Do xây dựng quy trình chăn nuôi đạt chuẩn an toàn nên sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn liên kết với DN để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Thời gian qua, nhiều chủ trại đầu tư công nghệ, kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất nên giờ con gà đã bắt đầu ổn định lại”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,766       11/850