Kinh tế

Chỗ dựa cho doanh nghiệp nhỏ

Với 83,5% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là luật mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trông đợi từ lâu.

Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh.
Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ.

* Hỗ trợ trọng tâm

Theo các chuyên gia kinh tế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua sẽ là cơ hội cho hơn 95% doanh nghiệp trong nước phát triển.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thiết kế với 4 chương, 36 điều quy định rõ: tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên tắc hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được luật quy định, bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong 2 tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng...  Về hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Việc hỗ trợ chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

* Luật cần sớm đi vào cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Long, chủ Doanh nghiệp tư nhân Phước Long ở huyện Long Thành, đã đặt nhiều kỳ vọng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Long, thì những vấn đề vướng mắc nhất đều được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong cuộc họp vừa qua và đưa vào luật. Ông Long nói: “Hy vọng của tôi là khi luật được thực thi, các doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ sớm nhận được những hỗ trợ từ phía Nhà nước như trong luật quy định”.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh cho rằng luật này rất cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ. “Các doanh nghiệp nhỏ rất chật vật về vốn và mặt bằng sản xuất, không biết xoay trở ra sao thì nay luật đã có quy định hỗ trợ. Tôi hy vọng sẽ tháo gỡ được nút thắt rất quan trọng này để các doanh nghiệp có điều kiện vươn lên” - ông Linh nói. Cũng theo ông Linh, suốt một thời gian dài doanh nghiệp nhỏ Việt Nam yếu thế nhưng vẫn phải “chơi” chung một sân với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế lại được hưởng những ưu đãi khiến việc cạnh tranh không công bằng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, thành viên Hội đồng Tư vấn - hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua kỳ này có ý nghĩa rất quan trọng, được kỳ vọng tạo đà phát triển cho khối doanh nghiệp tư nhân, góp phần hướng tới mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động tốt vào năm 2020. Ông Tuấn chia sẻ: “Luật ra đời trong bối cảnh hiện nay là rất hợp, nhưng tôi mong muốn khi luật có hiệu lực vào ngày 1-1-2018 có thể áp dụng được ngay. Bởi không ít trường hợp luật thì có nhưng cứ phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn kéo dài mãi không thực thi được, như vậy cộng đồng doanh nghiệp sẽ nản và mất đi cơ hội làm ăn của đối tượng được quan tâm”.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,122,449       120/2,012