Kinh tế

Xây dựng nông thôn mới bền vững

Trảng Bom về đích huyện nông thôn mới với 16/16 xã đều được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2016 đạt 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2011.

Dây chuyền giết mổ hiện đại của Công ty TNHH chăn nuôi Long  Bình tại xã Sông Thao.
Dây chuyền giết mổ hiện đại của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình tại xã Sông Thao.

Theo bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, địa phương luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài và phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc tập trung cho sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân là nền tảng để tiếp tục phát huy những tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Trảng Bom là huyện đứng đầu tỉnh về chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà công nghiệp. Một trong những thế mạnh địa phương sẽ tập trung đầu tư là ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn cho con gà.

* Tăng trưởng đồng bộ

Mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp của huyện Trảng Bom giảm từ 150-200 hécta chuyển sang đất phi nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân đạt trên 3,9%/năm. Đến năm 2016, giá trị bình quân thu nhập 1 hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt trên 110 triệu đồng/hécta/năm; đặc biệt nhiều diện tích đạt từ 500-800 triệu đồng/hécta/năm.

Trảng Bom là huyện công nghiệp. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện trong những năm qua luôn đạt được kết quả tích cực. Qua đó góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế của huyện, ổn định và nâng cao đời sống của người dân nông thôn; làm cho bộ mặt nông thôn Trảng Bom ngày càng khởi sắc hơn. Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân 16,4%/năm.

Tuy nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương, nhưng  92% dân số huyện sống ở khu vực nông thôn. Do đó, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền địa phương quan tâm. Với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa thị trấn với vùng nông thôn, huyện đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh, đã được phủ khắp trên các địa bàn. Hệ thống các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn các xã cũng được xây dựng hoàn thiện. Trường học,  chợ nông thôn được đầu tư khang trang, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia...

* Để nông nghiệp phát triển bền vững

Thời gian qua, Trảng Bom triển khai hàng loạt chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện đã quy hoạch 13 vùng sản xuất tập trung cho các cây trồng chủ lực, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

“Vua mì” Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) chia sẻ quá trình từ tay trắng trở thành tỷ phú nhờ xây dựng chuỗi sản xuất khép kín: “Từ nông dân chuyên trồng mì, tôi đầu tư thành lập Công ty TNHH Việt Nông Lâm. Đây là một trong những doanh nghiệp (DN) đi tiên phong trong sản xuất và xuất khẩu thức ăn gia súc từ phế phẩm nông nghiệp. Nhằm phát triển ngành sản xuất này theo hướng bền vững, ngay từ những ngày đầu, DN đã chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu qua việc bao tiêu bắp cây cho nông dân”.

Xác định chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia cầm là thế mạnh phát triển, huyện đã quy hoạch được 11 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và đang từng bước tái cơ cấu ngành chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại. Nhờ đó, Trảng Bom đã thu hút được nhiều DN về đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết hiệu quả trong chăn nuôi và nhiều tên tuổi đã được thị trường  biết tiếng. Ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (xã Bình Minh), cho biết: “DN đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các chuỗi trang trại được cấp chứng nhận VietGAP. DN cũng rất quan tâm đầu tư phát chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi an toàn vì đây là nền tảng xây dựng nên uy tín thương hiệu Bình Minh”.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long  Bình (TP.Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị đi tiên phong thực hành chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai cũng đã chọn Trảng Bom để mở rộng đầu tư trang trại chăn nuôi, lò giết mổ hiện đại cho chuỗi liên kết của mình. Theo ông Long: “Trảng Bom có nhiều lợi thế đầu tư chăn nuôi gia cầm, nhất là địa phương đã hình thành được các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Hiện DN đã phát triển được 8 trang trại chăn nuôi với khoảng 300 ngàn gà thịt đạt chứng nhận VietGAP”. Đây là DN đầu tiên đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn về sản phẩm gà thịt tại thị trường TP.Hồ Chí Minh và đã phát triển được chuỗi cửa hàng bán gà và thực phẩm sạch tại thành phố lớn này.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,119,827       5/1,016