Kinh tế

Thủ công mỹ nghệ: Cạnh tranh gắt gao về xuất khẩu

Đã có những năm kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng thủ công mỹ nghệ đạt đến 1,6 tỷ USD. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam một thời gian dài được nhiều thị trường ưa chuộng bởi ít "đụng hàng".

Đã có những năm kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng thủ công mỹ nghệ đạt đến 1,6 tỷ USD. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam một thời gian dài được nhiều thị trường ưa chuộng bởi ít “đụng hàng”. Thế nhưng mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này bị giảm đáng kể, nhiều đơn hàng rơi vào tay doanh nghiệp các nước trong khu vực.

Sản xuất đèn trang trí tại nhà máy của Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom).
Sản xuất đèn trang trí tại nhà máy của Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom).

Một nhược điểm được xem là cố hữu mà chính Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cũng đã nhận ra nhưng vẫn loay hoay chưa khắc phục được, đó là thiếu tính sáng tạo.

* Mẫu mã thiếu sự đột phá

Tại một hội nghị về phát triển ngành thủ công mỹ nghệ tại TP.Hồ Chí Minh mới đây, Vietcraft đã nhìn nhận thẳng thắn là sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn thiếu tính sáng tạo, ít sản phẩm mới, không đa dạng, lạc hậu so với xu hướng của thế giới dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp. Các sản phẩm sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống và mẫu mã thiếu sự đột phá. Đây được coi là gốc rễ của vấn đề, làm cho ngành này có một sức ì không thoát ra được. Vấn đề này cũng được nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thừa nhận.

Ông Nguyễn Ðức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (có trụ sở tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), cho hay hàng thủ công mỹ nghệ rất nhạy với sự thay đổi mẫu mã. Đây là điểm quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại trên thị trường, đơn cử như công ty ông chuyên sản xuất về đèn ngủ xuất khẩu, sản phẩm thuộc dòng hàng thủ công mỹ nghệ, bởi thân đèn và vật dụng trang trí được làm từ gỗ, gốm, mây, tre, lục bình, dừa... Sản phẩm có mặt ở hầu hết các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông  hàng năm ông phải thay đổi liên tục mẫu mã. “Tôi để ý thấy sản phẩm đèn ngủ đi theo thời trang từng mùa hàng năm. Tôi luôn luôn cùng khách hàng xem thử xu hướng thời trang năm mới là gì, lúc đó mới chọn chất liệu và thiết kế mẫu mã” - ông Hải nói. Doanh thu xuất khẩu của công ty ông tăng trưởng những năm gần đây khá tốt: năm 2015 chỉ đạt 9 tỷ đồng thì năm 2016 cán mốc 1 triệu USD (trên 22 tỷ đồng). Và năm nay, ông Hải ước tính doanh thu sẽ vượt xa con số 1 triệu USD.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, cho rằng nguyên nhân các doanh nghiệp yếu về khâu thiết kế do phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít nên không thể đầu tư nhiều vào khâu này được nên bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng thủ công mỹ nghệ từ các quốc gia trong khu vực. Doanh thu giảm, doanh nghiệp lại tiếp tục phải cắt giảm chi phí và thiếu đầu tư sáng tạo, sức cạnh tranh lại giảm, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn.

* Kỳ vọng thị trường châu Âu

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tại thị trường châu Âu sang năm 2018 sẽ có nhiều hứa hẹn. Dự báo ngành này sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ vào các hoạt động xây dựng thị trường tại Liên minh châu Âu (EU) được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2018 cũng sẽ có tác động tốt. Ông Nicolas Audier, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng thông tin thêm khi EVFTA có hiệu lực, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0%. Hiện tại, một số sản phẩm đang chịu mức thuế đồ nội thất bằng tre hoặc mây mức thuế là 5,6%, đồ trang trí bằng gỗ là 3%.

Tin từ Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết thị trường châu Âu vẫn đang dẫn đầu về nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng mây, tre, lá vào thị trường này đạt hơn 95 triệu USD năm 2016.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nếu như kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm mây, tre, cói vào thị trường Mỹ trong 7 tháng của năm 2017 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016, thì nhiều nước ở thị trường EU, như: Pháp, Hà Lan, Bỉ có mức tăng trưởng từ 12-46% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt và được các nhà xuất khẩu kỳ vọng ở thị trường này nhằm bù đắp cho sự giảm sút tại thị trường Mỹ.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,095,398       4/937