Kinh tế

Hợp tác xã chưa "mặn" vào chợ đầu mối

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) đã đi vào hoạt động khoảng 3 tháng qua. Đến nay, chợ đã được lấp đầy khoảng 35%, trung bình một ngày đêm tiêu thụ từ 100-120 tấn rau, củ, quả.

Trái cây Đồng Nai góp mặt tại chợ đầu mối Dầu Giây.
Trái cây Đồng Nai góp mặt tại chợ đầu mối Dầu Giây.

Tuy có lợi thế là chợ đầu mối ngay tại địa phương, nhưng tỷ lệ nông sản Đồng Nai vào chợ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 20% tổng sản lượng rau, củ, quả trong chợ.

* Cung chưa gặp cầu

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, để khuyến khích các tiểu thương, trong 3 tháng đầu kinh doanh các ô vựa chỉ phải trả phí điện, nước, còn tất cả các loại phí khác như: hoa chi, phí tải xe, phí nhận chợ... đều được miễn. Ban quản lý chợ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX, như: hỗ trợ ô, vựa hoàn toàn miễn phí cho HTX đến muốn trưng bày, kinh doanh hàng hóa trong thời gian đầu vào chợ. Chợ đầu mối luôn rộng cửa đón nhận và cam kết bao tiêu nông sản cho nông dân và HTX.

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (chủ đầu tư chợ), mong muốn của Ban quản lý chợ là các ô vựa mở cửa ngày càng đông, hàng hóa ngày càng nhiều, trong đó nông sản Đồng Nai phải chi phối về sản lượng. Để đạt mục tiêu này, hàng loạt chương trình kết nối được tổ chức với hàng chục bản ký kết hợp tác, cam kết bao tiêu nông sản giữa Ban quản lý chợ với các hợp tác xã (HTX) của Đồng Nai đã được thực hiện. Nhưng thực tế, hầu như chưa có nhiều HTX đưa nông sản chào hàng vào chợ.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, chủ một vựa trái cây tại chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết giai đoạn đầu thương lái kinh doanh tại chợ còn gặp nhiều khó khăn. Vì là chợ mới nên bạn hàng chưa nhiều, mỗi ngày bà chỉ bán được vài trăm ký trái cây các loại. Nhưng so với giai đoạn đầu của những chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh là cần vài năm tiểu thương mới về nhiều, thì chợ này đã hoạt động khá hiệu quả. “Vựa của tôi luôn ưu tiên mua trái cây tại địa phương. Cuối mùa, có nông dân chỉ mang vài ký trái cây đến, tôi cũng mua để giữ chân bạn hàng. Vì thực tế, những vựa ở chợ này cũng đang gặp khó khăn trong cạnh tranh mua bán với các đại lý và thương lái của địa phương đã quen bạn hàng” - chị Kim Anh nói.   

Cùng quan điểm, bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng, chủ vựa trái cây Hồng Nị tại chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết: “Tôi rất mong ký kết hợp tác lâu dài với các HTX của Đồng Nai để có nguồn cung trái cây ổn định với sản lượng lớn. Hiện tôi đã có bạn hàng khắp các tỉnh, thành, lại vừa đóng hàng xuất đi Trung Quốc, Campuchia. Nhưng đến nay, chủ yếu vựa vẫn vừa mua trái cây trực tiếp từ nông dân, vừa gom hàng từ vùng khác về vì tôi chưa thấy HTX nào đến chợ chào hàng”.

Ông Đoàn Xuân Trường, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, cho rằng huyện đã xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm chủ lực vào chợ đầu mối nông sản Dầu Giây nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm góp mặt ở kênh tiêu thụ này. “Nguyên nhân chính là cung cấp nông sản vào chợ đầu mối, HTX hoặc nông dân phải chủ động thu hoạch, chở đến chợ bán. Trong khi đó, nông dân vẫn quen với việc thương lái trước nay vẫn về mua tại vườn, có khi trả tiền trước cho nông dân khi chưa thu hoạch theo hình thức mua mão cả vườn. Trong đó, một yếu tố quyết định là giá mua nông sản tại chợ vẫn chưa có sự chênh lệch nhiều với thương lái mua tại vườn” - ông Trường nói.

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh trong chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, Ban quản lý chợ nên có quy định để các ki-ốt đã được thuê phải mở cửa hoạt động, chợ đa dạng nguồn hàng thì mới thu hút được khách đến mua. Bên cạnh đó, dù đây là chợ mang tầm khu vực nhưng cả khách hàng tại địa phương cũng như nhiều tỉnh, thành khác hầu như chưa biết gì về khu chợ đầu mối này. Tiểu thương mong nhà đầu tư tăng cường công tác quảng bá để khu chợ này sớm được thị trường biết tiếng.

* Cần chủ động đưa hàng vào chợ

Chia sẻ kinh nghiệm trở thành đầu mối cung cấp rau vào chợ đầu mối, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc HTX nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), kể: “Thời gian đầu, Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho HTX tổ chức gian hàng trưng bày và tự bán sản phẩm, nhưng rau đưa ra chợ để héo rồi bỏ đi vì không tìm được bạn hàng. Chúng tôi chuyển qua ký gửi ở vựa rau. Thời gian đầu chỉ đưa ra vài bó cũng khó tiêu thụ, nhưng đến nay rau cung cấp ra chợ đã tăng lên hàng trăm bó và dần có bạn hàng ổn định”.

Ông Võ Văn Vịnh, Phó ban Quản lý chợ đầu mối Dầu Giây, phân tích: “HTX đưa hàng vào chợ đầu mối sẽ có kênh tiêu thụ với sản lượng lớn, ổn định, không lo bị ép giá và dần dần xây dựng được thương hiệu về uy tín chất lượng. Mặt khác, kênh tiêu thụ này còn mở ra cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu cho nông sản. Trong khi đó dù bán cho thương lái tiện lợi hơn, nhưng nông dân sẽ mãi ở vị trí phụ thuộc với thị trường bấp bênh, không ai biết về sản phẩm của mình. Như vậy, chính HTX, nông dân phải tự tính toán, lựa chọn để có thái độ chủ động tham gia, cùng góp phần cho chợ đầu mối hoạt động ngày càng hiệu quả”. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,095,779       6/938