Kinh tế

Cần "sòng phẳng" với sữa tiệt trùng

Lâu nay, thị trường sữa được coi là một thị trường "nhạy cảm" trong việc minh bạch thông tin với khách hàng. Trong đó, một số chiến lược truyền thông còn nhập nhèm, chưa thực sự "sòng phẳng" về khái niệm...

Lâu nay, thị trường sữa được coi là một thị trường “nhạy cảm” trong việc minh bạch thông tin với khách hàng. Trong đó, một số chiến lược truyền thông chưa thực sự “sòng phẳng” khi vẫn còn nhập nhèm đánh đồng giữa khái niệm “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi nguyên chất”, trong khi trên thực tế không phải loại sữa tiệt trùng nào cũng là sữa tươi. Điều này khiến người tiêu dùng băn khoăn.

Người tiêu dùng mong muốn nhà sản xuất minh bạch thông tin trên các sản phẩm sữa dạng lỏng.
Người tiêu dùng mong muốn nhà sản xuất minh bạch thông tin trên các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010 với 7 loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn còn nhập nhèm, được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.

* Ban hành quy chuẩn mới rồi... bãi bỏ

Theo thống kê năm 2014 của Tổng cục Thống kê, có tới hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở Việt Nam là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.

Hiện có 3 loại sữa dạng lỏng chính được nhiều người tiêu dùng hiểu là “sữa tươi” nhưng được chế biến theo 3 cách với nguyên liệu rất khác nhau, gồm: sữa tươi 100%, sữa tươi pha với sữa bột và sữa bột pha hoàn toàn. Với loại thứ 2 và thứ 3, các nước trên thế giới vẫn gọi là sữa hoàn nguyên.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT được ban hành trong Thông tư 03/2017/TT-BYT ngày 22-3-2017 của Bộ Y tế đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, trong đó có sự phân biệt rạch ròi giữa sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng với sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng.

Theo quy chuẩn này, nhóm sữa tươi được phân thành 4 nhóm: sữa tươi nguyên chất (chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất cứ thành phần nào), sữa tươi nguyên chất tách béo (được tách chất béo và không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào), sữa tươi (chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế thành phần của sữa) và sữa tươi tách béo.

Với sữa tiệt trùng được chia thành 3 nhóm: sữa hoàn nguyên (làm từ sữa bột, thành phẩm gần như sữa tươi); sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sữa hỗn hợp (được dùng để chỉ loại sữa làm từ cả sữa bột hay sữa đặc) và sữa tươi thay vì chỉ quy định chung là nhóm sữa tiệt trùng tại quy định ban hành năm 2010.

Tuy nhiên, sau khi Thông tư 03 nêu trên được công bố, một số doanh nghiệp, hiệp hội sữa đã có ý kiến không đồng tình, vì cho rằng các quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng tại thông tư này chưa thỏa đáng, chưa đúng với tinh thần mà các doanh nghiệp đã góp ý.

Đến ngày 11-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Thông tư số 36/2017/TT-BYT bãi bỏ Thông tư số 03/2017/TT-BYT ngày 22-3-2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. Thông tư 36 này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2017.

* Mong muốn minh bạch thông tin

Hiện nay, người tiêu dùng như đang ở trong “ma trận” sữa dạng lỏng. Đa số người tiêu dùng cho rằng việc phân loại rạch ròi các loại sữa “gắn nhãn” sữa tươi tiệt trùng là cần thiết, nhất là đối với tâm lý đề cao, ưa chuộng “đồ tươi” của người Việt.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, tôi thường xuyên mua sữa tươi cho con tôi. Ngoài sữa tươi Long Thành của Công ty cổ phần Lothamilk, tôi còn mua thêm sữa tươi hộp. Tôi thấy quy chuẩn mới về sữa tươi, sữa dạng lỏng là rất phù hợp. Trong bối cảnh thị trường sữa đa dạng, nhiều chủng loại như hiện nay, tôi thấy khá băn khoăn về chuẩn dinh dưỡng, chất lượng của sữa, hầu như mua sữa theo tâm lý cho con uống sữa để có chất chứ không uống sữa thì chắc chắn thiếu chất”.

Tương tự, chị Phan Thị Thùy Dương (xã Phú Bình, huyện Tân Phú), bày tỏ: “Một số loại sữa quảng bá chắc nịch là 100% sữa tươi hay sữa đã tiệt trùng khiến tôi dù mua nhưng chưa thực sự tin tưởng. Bản thân tôi là người thường xuyên tham khảo các loại sữa cũng chưa thể phân biệt giữa sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên, bởi các thành phần ghi trên sản phẩm thường na ná nhau, khó phân định”.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, việc phân loại sữa dạng lỏng sẽ tạo điều kiện giúp người tiêu dùng lựa chọn được loại sữa phù hợp với từng độ tuổi, nhu cầu, góp phần ổn định giá cả thị trường. Ngoài ra, việc phân loại này còn giúp tăng tính cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.

“Các nhà sản xuất cần minh bạch thành phần, cơ chế chế biến trên sản phẩm. Cơ quan chức năng cũng nên có những thống kê, tiêu chuẩn về hàm lượng phần trăm sữa tươi, phần trăm phụ chất khác và công bố rộng rãi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, các thông tin về sữa cần được dán công khai, minh bạch tại các đại lý sữa để người dân dễ dàng tra cứu, tham khảo” - chị Thùy Dương chia sẻ thêm.

Chị Minh Tri (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), nói: “Việc công khai thành phần sữa sẽ giúp hạn chế hàng giả, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường sữa còn nhiều thông tin nhiễu như hiện nay”.

Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai vẫn đang theo dõi, cập nhật những quy định mới của Bộ Y tế về phân loại sữa và thường xuyên công khai thông tin đến người dân trên website của chi cục cũng như các kênh thông tin khác.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,091,998       18/1,000