Kinh tế

Người mê đường kim mũi chỉ

Cách đây 20 năm, từ một cửa hàng bán quần áo, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Gia (văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng may tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã phát triển lên thành doanh nghiệp may thời trang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật, Pháp…

Cách đây 20 năm, từ một cửa hàng bán quần áo, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Gia (văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng may tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã phát triển lên thành doanh nghiệp may thời trang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật, Pháp…

Ông Nguyễn Trường Giang đang kiểm tra các đơn hàng của mùa hàng mới.
Ông Nguyễn Trường Giang đang kiểm tra các đơn hàng của mùa hàng mới.

Sau vài lần hẹn, khi gặp chúng tôi ông Giang phân trần: “Thời điểm này tôi khá bận, phần thì lo cho mùa hàng mới, phần thì chuẩn bị mở thêm cửa hàng tại TP.Biên Hòa để giới thiệu những sản phẩm mới nên chạy đi chạy lại mất khá nhiều thời gian”.

* Đa dạng thị trường nội

Suốt 5 năm đi bán hàng thời trang với mức thu nhập khá tốt, song ông Giang luôn trăn trở bởi thu nhập không hẳn là cái đích duy nhất hướng đến mà ông cần có sản phẩm của riêng mình. Vậy là ông quyết định dấn thân vào ngành may mặc. Sau một thời gian dài ấp ủ, sản phẩm thời trang Việt Gia cũng có mặt trên thị trường. Khi dây chuyền may hàng ổn định, ông Giang chuyển sang may gia công cho các thương hiệu khác. Ông Giang cho hay, do làm hàng thời trang khá quen nên ông thường nhận gia công sản phẩm cho các thương hiệu lớn và được khách hàng tin tưởng.

Định vị trên thị trường, ông Giang nhận ra một nhánh nữa cần tập trung khai thác, đó là các công ty, xí nghiệp và công sở. Vốn nằm trong vùng kinh tế sôi động nhất của cả nước, nơi tập trung nhiều nhà máy, nên ông cho rằng TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... là nơi nhu cầu về đồng phục cho công nhân rất lớn. “Công ty tôi có thế mạnh là thiết kế, chính vì vậy khi làm việc với các doanh nghiệp để đặt vấn đề may đồng phục cho nhân viên, họ cũng dễ chấp nhận hơn. Nhiều công ty có mẫu sẵn nhưng khi chúng tôi đưa bản thiết kế mới cho họ xem thì ban giám đốc chấp nhận ngay và đặt hàng dài hạn” - ông Giang nói.

* Nâng cao tính chuyên nghiệp

Từ năm 2014, ông Giang bắt đầu phát triển thêm lĩnh vực may xuất khẩu. Theo ông Giang, việc tham gia vào sản xuất hàng may mặc xuất khẩu giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp hơn. Ông Giang chia sẻ: “Khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài đối tác yêu cầu rất khắt khe, phải chuẩn từ đường may, mũi chỉ cho đến tiến độ giao hàng. Điều này tạo ra một áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Có những khách hàng Nhật Bản yêu cầu may 5 mũi (1cm là 5 mũi may), khi kiểm hàng họ lấy thước ra đo ngay, không như mình cứ thấy mũi may đều là được”.

Dù là lĩnh vực phát triển sau, song hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Gia chiếm 70% tổng doanh thu. Công ty xuất khẩu sản phẩm sang thị trường chính là: Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp, trong đó 40% sản phẩm xuất sang Hàn Quốc, 35% xuất sang Nhật Bản, còn lại là Pháp. Ông Giang cho hay, đây là những trung tâm thời trang nên sản phẩm có mức chuẩn rất cao.

Cũng theo ông Giang, mấy năm gần đây ngành may mặc xuất khẩu đang bị cạnh tranh bởi một số nước trong khu vực khá gay gắt. Ở những nước như: Myanmar, Bangladesh, Campuchia có giá lao động rẻ hơn nên những dòng sản phẩm cấp trung doanh nghiệp may của Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với các nước này.  Đây cũng là bài toán buộc phải nâng cao chất lượng lao động trong nước của doanh nghiệp mới có khả năng cạnh tranh.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,090,879       1/1,123