Kinh tế

Cá lớn không bán được, người nuôi ôm nợ

(ĐN)- 1 năm trở lại đây, người nuôi cá ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) gặp rất nhiều khó khăn khi giá cá liên tục xuống thấp, thị trường tiêu thụ hầu như không có.

Do không có người mua, nhiều hộ không thu hồi được vốn, dẫn tới thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Ông Sang đang cho cá ăn

Gia đình ông Đỗ Đăng Sỹ có 3 hécta ao nuôi cá rô phi. Trước đây, cá rô phi được các thương lái miền Tây thu mua với giá 27-28 ngàn đồng/kg, nay giá xuống chỉ còn 1/2 mà cũng không có người mua. Để có thể duy trì đàn cá, ông chỉ biết cho ăn cầm chừng 3 ngày/lần. Đến nay số nợ đã lên 800 triệu đồng, nhiều đại lý cám đã không cho gia đình ông tăng số nợ nữa.

27 năm trong nghề nuôi cá, chưa năm nào ông Ngô Bá Hóa gặp khó như bây giờ. Với 3,5 hécta diện tích ao nuôi cá, ông nuôi nhiều loại cá như: cá chép, cá rô phi, cá trắm… để tận dụng nguồn thức ăn và tăng thu nhập cho gia đình.

Theo ông, một lứa cá chỉ nuôi trong vòng 10 tháng là xuất bán, nhưng do không có người mua nên lứa cá này của ông đã sang năm thứ 2. Cá lớn không xuất bán được, diện tích mặt ao hẹp dần, 2 tấn cá của ông vừa bị chết do nguồn nước bị đặc. Số còn lại dù không có người mua, nhưng mỗi ngày ông phải cho đàn cá ăn 30 bao cám trị giá 10 triệu đồng để tiếp tục duy trì chờ ngày xuất bán.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), cho biết vẫn tiếp tục khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sạch để có chất lượng sản phẩm đầu ra tốt hơn; vận động các hộ chăn nuôi cá thành lập tổ hợp tác, nếu có thể thành lập hợp tác xã sẽ kêu gọi các đơn vị tiêu thụ các hệ thống bán lẻ nơi khác về để liên kết tạo thành chuỗi sản xuất tiêu thụ.

Đinh Tài

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,737       1/1,131