Kinh tế

Quy hoạch chăn nuôi tập trung: Có còn phù hợp?

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ đầu tư vào vùng quy hoạch còn thấp...

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ trang trại đầu tư vào các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung còn rất thấp.

Người chăn nuôi mong muốn quy hoạch chăn nuôi tập trung được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà tại huyện Định Quán.
Người chăn nuôi mong muốn quy hoạch chăn nuôi tập trung được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà tại huyện Định Quán.

Tại hội thảo chuyên đề “Quy hoạch chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh tổ chức mới đây, đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp và chủ trang trại đều mong muốn được điều chỉnh quy hoạch lại cho phù hợp với thực tế hiện nay.

* Chỉ gần 29% vào vùng quy hoạch

Theo quy hoạch được tỉnh phê duyệt, 8 huyện và TX.Long Khánh có 139 vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung với tổng diện tích trên 15,7 ngàn hécta. Sau 5 năm triển khai, đa số các vùng quy hoạch tập trung đều gặp khó khăn là chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nên khó thu hút doanh nghiệp, trang trại đầu tư.

Do đó, năm 2013 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX đã có nghị quyết chỉ đạo chọn 10 vùng quy hoạch chăn nuôi có ưu thế phát triển tại các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong quá trình triển khai tiếp tục gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo rút lại chỉ chọn 7 vùng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tại hội thảo“Quy hoạch chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, chủ trang trại làm cơ sở thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đánh giá lại để có kiến nghị cụ thể là nên điều chỉnh hoặc bỏ quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu theo hướng xác định vùng nào là vùng được chăn nuôi, vùng nào cấm chăn nuôi với những quy định, tiêu chí cụ thể.

Trong thực tế 9 năm qua đã có những khu chăn nuôi tập trung được đầu tư hạ tầng khá tốt nhưng hiệu quả vẫn không như mong đợi. Đến nay toàn tỉnh chỉ mới có 655 trang trại vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, chỉ đạt gần 29% trên tổng số trang trại.

Riêng 7 vùng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chỉ có 127 trang trại hoạt động, tăng 15 trang trại so với thời điểm trước khi được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, 5/7 khu ưu tiên không có thêm trang trại mới vào sau khi được đầu tư cơ sở hạ tầng. Thậm chí vùng chăn nuôi tập trung tại ấp Trung Tâm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) vẫn chưa có trang trại nào đầu tư. 

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ ra những nguyên nhân khiến quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, gồm: giá đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung quá cao, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư, các chính sách ưu đãi hỗ trợ di dời vào khu chăn nuôi tập trung chưa phù hợp, quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa đồng bộ với xây dựng cùng an toàn dịch bệnh.

* Cần điều chỉnh hợp lý hơn

Ngoài những vướng mắc, khó khăn trên, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi đều bày tỏ mong muốn nên bỏ hoặc điều chỉnh lại quy hoạch chăn nuôi tập trung là do không phù hợp với thực tế chăn nuôi và đi ngược lại cách làm của các nước có nền chăn nuôi phát triển trên thế giới.

Ông Nguyễn Minh Kha, một trong những chủ trại gà đầu tiên tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) cung cấp gà thịt xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, kiến nghị: “Không nên quy hoạch chăn nuôi tập trung theo kiểu các khu công nghiệp. Điều này đi ngược lại xu hướng của các nước phát triển. Cụ thể, ở Úc các trang trại chăn nuôi cách nhau từ vài đến vài chục km để cách ly hoàn toàn dịch bệnh vì họ không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhật Bản cũng kiểm soát rất khắt khe vấn đề sử dụng kháng sinh, nên họ yêu cầu các trang trại chăn nuôi tham gia xuất khẩu vào Nhật Bản phải được cách ly ít nhất 3km với các trang trại chăn nuôi khác”.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, nêu ý kiến: “Tôi đến khu vực chăn nuôi lớn nhất của Đồng Nai là huyện Thống Nhất, thấy tình trạng chăn nuôi tập trung dày đặc là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Một số người bạn của tôi mua đất xây trang trại tại khu chăn nuôi tập trung ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) rồi buộc phải đóng trại vì gà chết hàng loạt do lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, giá đất tại các vùng được quy hoạch chăn nuôi tập trung tăng gấp nhiều lần là một rào cản không nhỏ cho người chăn nuôi muốn vào vùng quy hoạch”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,430       6/1,164