Kinh tế

Đón sóng đầu tư từ Nhật Bản

Khoảng 4 năm nay, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Đồng Nai tăng nhanh, chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ hiện đại, sử dụng rất ít lao động.

Khoảng 4 năm nay, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Đồng Nai tăng nhanh. Các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ hiện đại, sử dụng rất ít lao động.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Marusan Kigata Seisakujo Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Công ty TNHH Marusan Kigata Seisakujo Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính đến cuối tháng 11-2017 các DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 230 dự án với tổng vốn gần 4 tỷ USD. Trong tỉnh đã có 2 khu công nghiệp do người Nhật đầu tư hạ tầng là Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa) và Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành).

* Đúng ngành đang thiếu

Năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Bàn Kansai nhằm hỗ trợ thủ tục để DN vùng Kansai (Nhật Bản) đầu tư vào Đồng Nai thuận lợi hơn. Ngoài ra, Bàn Kansai cũng là cầu nối đón tiếp các nhà đầu tư Nhật Bản đến tham quan, tìm hiểu đầu tư vào Đồng Nai.

Hơn 4 năm qua, Bàn Kansai đã hỗ trợ thủ tục góp phần thu hút nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai hơn. Do đó, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh trong những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Đồng Nai chiếm gần 40% số dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết hiện Nhật Bản đang xếp thứ 3 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Đây cũng là thị trường Đồng Nai luôn ưu tiên trong công tác xúc tiến đầu tư và thương mại. Khoảng 3-4 năm nay, các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh phần lớn là công nghiệp hỗ trợ, là ngành Đồng Nai cũng như cả nước đang thiếu và rất cần. Các DN Nhật Bản chấp hành rất tốt các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng lao động.

Ông Yukihiro Sato, nguyên là chuyên gia cao cấp Học viện Nghiên cứu công nghiệp tỉnh Osaka, cho hay: “Những năm gần đây, DN Nhật Bản rất quan tâm đến Đồng Nai và nhiều DN nghiệp nhỏ đã đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh khá thuận lợi, chỉ sau vài tháng cấp chứng nhận đầu tư đã có thể đi vào hoạt động”.

Một số công ty hạ tầng của khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh chân xây dựng sẵn nhà xưởng cho thuê với nhiều diện tích khác nhau để đón các DN Nhật.

“Công ty xây dựng sẵn nhà xưởng với các diện tích khác nhau từ 290m2 trở lên để cho các DN thuê. Hơn 2 năm đi vào hoạt động, công ty đã thu hút trên 30 DN thuê xưởng để sản xuất, trong đó gần 70% là DN Nhật Bản. Các DN Nhật thuê nhà xưởng của công ty chỉ sau 4-6 tháng lắp ráp máy móc, thiết bị và tuyển lao động là có thể sản xuất” - ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch), cho hay.

Cũng theo ông Chuyên, các DN Nhật Bản đầu tư vào đây hầu hết là sản xuất công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho các DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Tất cả đều có máy móc, công nghệ hiện đại, sử dụng rất ít lao động, có những DN sản xuất hàng triệu sản phẩm/năm chỉ cần 4-10 công nhân.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, lĩnh vực các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh phù hợp với ngành nghề đang ưu tiên mời gọi nhằm tăng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho thị trường nội địa. Nếu Đồng Nai phát triển được công nghiệp hỗ trợ sẽ thu hút được DN Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đầu tư vào tỉnh nhiều hơn.

* Đón làn sóng mới

Ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, nhận xét: “Hiện nay, nhiều DN Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào Đồng Nai. Vì thế, trong thời gian tới Đồng Nai tiếp tục là địa phương đón được những làn sóng đầu tư mới của DN Nhật Bản. Ngoài công nghiệp hỗ trợ thì các tập đoàn cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, vận tải, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”.

Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn DN ở các thành phố lớn của Nhật Bản như Osaka, Saitama... đã đến tỉnh tìm hiểu môi trường, chính sách trong đầu tư. Mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2020 có khoảng 10 ngàn DN vừa và nhỏ đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam là quốc gia được các DN xứ sở mặt trời mọc chú ý nhất.

“Thế mạnh của DN tỉnh Saitama là công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật, logistics. Đất đai ở Saitama không còn nhiều để phát triển công nghiệp nên DN trong tỉnh đang muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đồng Nai là nơi các DN tỉnh này muốn đầu tư vào vì nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào đây khá thành công” - ông Yoshiaki Tachikawa, Trưởng ban Quản lý doanh nghiệp tỉnh Saitama, chia sẻ.

Hiện Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang triển khai cũng là “chiếc bánh” hấp dẫn các công ty Nhật Bản hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng, logistics, dịch vụ. Không ít DN Nhật Bản đã ngỏ ý muốn tham gia các hạng mục khi triển khai xây dựng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,348       2/1,146