Kinh tế

Bài cuối Đón thách thức - nhận cơ hội

Là mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, nông nghiệp công nghệ cao, và cao hơn là nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ đòi hỏi lớn về nguồn vốn lớn, mà quan trọng không kém là yếu tố: con người cần làm chủ khoa học - kỹ thuật, am hiểu chuyên môn về lĩnh vực sản xuất…

>>> Bài 1: Làm nông bằng smart phone

>>> Bài 2: Doanh nghiệp vào cuộc

Là mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, nông nghiệp công nghệ cao, và cao hơn là nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ đòi hỏi lớn về nguồn vốn lớn, mà quan trọng không kém là yếu tố: con người cần làm chủ khoa học - kỹ thuật, am hiểu chuyên môn về lĩnh vực sản xuất…

Khu thực nghiệm giống cây trồng của Công ty TNHH Việt Nông tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Khu thực nghiệm giống cây trồng của Công ty TNHH Việt Nông tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội tiếp cận nhiều hơn mô hình này, cần sự nỗ lực và quyết tâm lớn của chính người nông dân, cũng như sự đồng hành của chính sách.

* Con người làm chủ khoa học - kỹ thuật

Hầu hết các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư ban đầu lớn. Để ứng dụng hiệu quả vào điều kiện nông nghiệp ở địa phương, nông dân, doanh nghiệp cần có trình độ kiến thức nhất định, am hiểu từng “đường tơ kẽ tóc” về ngành, lĩnh vực mình sản xuất. Việc áp dụng rập khuôn, bê nguyên mô hình công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào thực tế nông nghiệp của địa phương sẽ lợi bất cập hại.

Bàn về vấn đề này, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), cho biết mô hình chăn nuôi khép kín và hoàn toàn tự động có tổng vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng. Công nghệ tiên tiến ở nước ngoài khi nhập về thường phải chỉnh sửa và thiết kế lại một số chi tiết cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương. “Nguyên bản ở châu Âu, một khung nuôi được 11 con gà, nhưng ở Việt Nam, tôi yêu cầu thiết kế khung nuôi gà chỉ 8 con. Kỹ sư bên đó thắc mắc thì tôi lý giải rằng điều kiện khí hậu xứ nhiệt đới không cho phép nuôi dày như ở xứ ôn đới. Hệ thống cân bằng nhiệt độ, độ ẩm làm mát, sưởi... đều phải có cải tiến cho thích hợp” - ông Đức cho hay.

Ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông (huyện Cẩm Mỹ), DN đi tiên phong  ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống cây trồng, chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp từ khó khăn: “Yêu cầu của đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi. Nhưng DN và nông dân vẫn có thể mạnh dạn tham gia với khởi đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công rồi đầu tư từng bước theo lộ trình đã định. Điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, sẵn sàng thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất”.

Đặc biệt, ngoại ngữ là một trong những rào cản để tiếp cận khoa học - công nghệ. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, cho hay: “Làm nông nghiệp công nghệ cao thường tiếp xúc với các chuyên gia quốc tế, tài liệu chuyên ngành nông nghiệp của nước ngoài. Do đó, nhân lực trong lĩnh vực này ngoài chuyên môn còn cần có ngoại ngữ. Có chương trình học bổng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng cán bộ lâu năm thì vướng ngoại ngữ. Trong khi đó cán bộ trẻ mới ra trường, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, nhiệt huyết thì vướng các quy định liên quan (phải là công chức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm...)”.

* Khó tiếp cận chính sách ưu đãi

Thương hiệu sầu riêng Dona của Đồng Nai từng rất nổi tiếng vì xuất khẩu được vào thị trường Mỹ. DN liên kết nông dân đầu tư phát triển được hàng ngàn hécta sầu riêng cung cấp cho thị trường xuất khẩu, nhưng dự án này đã thất bại do sự đổ vỡ liên kết giữa DN và nông dân. Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học DONA - TECHNO (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Hơn 20 năm đầu tư vào nông nghiệp, DN phải “trả giá” rất nhiều và hầu như chưa tiếp cận được một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước. Thậm chí để được công nhận bộ giống mới, chúng tôi gặp rất nhiều rào cản về mặt thủ tục hành chính. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai dự án liên kết nông dân sản xuất tiêu sạch cũng vẫn rất khó tiếp cận vì những chính sách ưu đãi của Nhà nước còn xa rời thực tế”.

Công ty Nhà Nguyễn (TP. Hồ Chí Minh) là DN hàng đầu trong cung cấp giải pháp nhà màng trọn gói cho nông nghiệp công nghệ cao. DN này đã đầu tư nhà máy sản xuất và trang trại trồng các loại trái cây đặc sản công nghệ cao tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Theo ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn, vài năm trở lại đây nhiều tỉnh, thành trong đó có Đồng Nai phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Việc sản xuất trong nhà kính, nhà màng sẽ tiếp tục được nhân rộng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ như hiện nay. “Ở đây, DN phải là nhân tố đi tiên phong trong đầu tư vào lĩnh vực này rồi mới nhân rộng ra người dân. Nhà nước đã đưa ra những chính sách rất tốt để khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng mỗi địa phương lại áp dụng khác nhau và hầu như chưa đi vào thực tế nên cả DN và nông dân đều chưa tiếp cận được” - ông Khoa nói.

Chia sẻ những khó khăn khi tiếp cận thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho rằng: “Các nước đều đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản. Để đáp ứng yêu cầu này, đơn vị cần nguồn vốn lớn đầu tư để cải tiến quy trình sản xuất và nhất là đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói theo công nghệ hiện đại... Những yêu cầu trên đều vượt quá sức của nông dân. Ngoài ra, còn nhiều rào cản về mặt hồ sơ, thủ tục để đủ điều kiện được cấp mã vùng xuất khẩu; tổ chức chiếu xạ trái cây theo yêu cầu xuất khẩu...”.

* Mở rộng đầu ra cho sản phẩm

Đầu ra bền vững cho nông sản luôn được xem là tiêu chí quan tâm hàng đầu của các dự án đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhận định: nông dân và DN Đồng Nai đã làm tốt khâu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, một số đã có thương hiệu. Vấn đề là phải đầu tư vào khâu bán hàng, marketing sản phẩm... ở cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu”...

Trang trại trồng đặc sản trái sung Mỹ của Công ty Nhà Nguyễn tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Trang trại trồng đặc sản trái sung Mỹ của Công ty Nhà Nguyễn tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) nhận xét, những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển mạnh, tăng nhanh số lượng; chất lượng sản phẩm đã đứng được trên thị trường vì đã xuất khẩu được vào thị trường khó tính là Nhật Bản; có thế mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật với nhiều trang trại đang sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới. Tuy nhiên, bài toán đầu ra bền vững mới là vấn đề căn cơ để ngành chăn nuôi thực sự phát triển và cạnh tranh được.

Thực tế, hiện nay thay vì liên kết để đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, đón cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thì sự liên kết dễ dàng bị phá vỡ giữa DN và nông dân; nạn cạnh tranh không lành mạnh giữa DN với DN, sự phát triển ồ ạt các loại cây trồng một cách tự phát trên quy mô cả nước... là nguyên nhân khiến nông sản nội địa vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn ở bậc thấp và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, đối tượng thụ hưởng chính sách vẫn đang chờ chính sách hỗ trợ đi vào thực tế.

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có quy định ưu đãi trên một số lĩnh vực, nhưng lại không có hỗ trợ đầu tư cho cơ sở chăn nuôi gà - một trong những ngành chăn nuôi trọng điểm.

Về mặt thủ tục hành chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhà đầu tư liên hệ Sở Kế hoạch - đầu tư để được hướng dẫn nộp hồ sơ. Sau đó, qua nhiều cơ quan phối hợp thực hiện, như: Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Tài chính, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, TX.Long Khánh và TP. Biên Hòa... Có doanh nghiệp cho biết thời gian từ khi nộp hồ sơ làm thủ tục đến khi được giải ngân kéo dài hơn 1 năm.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, từ ngày quyết định số 74/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 Quy định về mức ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 có hiệu lực đến ngày 31-10-2016, Đồng Nai chỉ có 9 doanh nghiệp nhận được quyết định hỗ trợ, tổng kinh phí là hơn 23,2 tỷ đồng và 25.1543 hécta miễn tiền thuê đất trong 11 năm.

Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai và Công ty TNHH Đình Ngọc xây dựng xong đi vào hoạt động được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chủ trì tổ chức nghiệm thu và Sở Tài chính kiểm tra hồ sơ trình UBND tỉnh hỗ trợ tổng kinh phí là 5,8 tỷ đồng.

Lâm Viên - Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,290       1/1,160