Kinh tế

Cây có múi rớt giá vì dội chợ

Hơn 1 tháng nay, giá cam, quýt liên tục hạ nhiệt. Hiện giá cam, quýt bán tại vườn đều dưới 10 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá bán thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Nông dân trồng bưởi hồi hộp lo mất giá mùa bưởi tết (ảnh chụp tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu).
Nông dân trồng bưởi hồi hộp lo mất giá mùa bưởi tết (ảnh chụp tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu).

Các loại cây có múi rớt giá do dội chợ. Nguyên nhân chính là thời gian qua diện tích các loại cây trồng này tăng nhanh đột biến. Nguy cơ thị trường cây có múi rơi vào cảnh cung vượt cầu như đã xảy ra với nhiều nông sản khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Nông dân nên cân nhắc đến việc tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích các loại cây trồng này.

* Giá thấp nhất trong nhiều năm

Toàn tỉnh có gần 6 ngàn hécta diện tích trồng cây có múi (diện tích nhiều nhất là bưởi với gần 2.700 hécta, quýt gần 2.100 hécta), vượt quy hoạch đến năm 2020 khoảng 2 ngàn hécta, trong đó diện tích đang cho thu hoạch gần 4 ngàn hécta. Chưa tính diện tích cây có múi nông dân tiếp tục mở rộng mà chỉ tính toàn bộ số cây có múi trên cho thu hoạch thì sản lượng đã tăng rất nhiều so với hiện tại.

Vài ngày trở lại đây, giá các loại cây có múi đã nhích nhẹ nhưng quýt vẫn dưới 10 ngàn đồng/kg, cam từ 12-14 ngàn đồng/kg, vẫn giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bưởi cũng giảm theo, chỉ còn từ 25-30 ngàn đồng/kg. Giá các loại cây có múi giảm sâu suốt thời gian dài, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị bước vào mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm khiến nông dân càng lo lắng.

Ông Phạm Công Hoan, nông dân trồng cam tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), than thở: “Năm nay thời tiết bất lợi làm giảm năng suất cam, quýt. Suốt hơn 1 tháng qua, giá cam, quýt giảm sâu, có thời điểm chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Mất mùa cộng thêm mất giá khiến nông dân thua lỗ nặng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, chủ một vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Nguyên nhân các loại trái cây có múi rớt giá một phần do thị trường Campuchia giảm “ăn” hàng. Nhưng chủ yếu vì cam, quýt từ các tỉnh miền Bắc, miền Tây đồng loạt đổ về các chợ khiến nguồn cung vượt cầu. Giờ tỉnh nào cũng đua nhau trồng cây có múi, sắp tới cạnh tranh tiêu thụ của các loại trái cây này sẽ ngày càng gay gắt”.  

* Nông dân vẫn đua nhau trồng

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Cửu, một trong những địa phương đang phát triển nhanh diện tích cây có múi, hiện toàn huyện có gần 900 hécta bưởi, khoảng 230 hécta cam, quýt. Hầu hết diện tích cam, quýt đều là trồng mới và đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung tại các xã Hiếu Liêm, Phú Lý. Ông Lưu Thiệu Tấn (xã Hiếu Liêm), một trong những nông dân lâu năm gắn bó với nghề trồng cây có múi, chia sẻ: “Gia đình tôi hiện cũng phát triển trên 10 hécta cam, quýt và đang chuẩn bị đất để tăng thêm 8 hécta bưởi da xanh. Vài năm trở lại đây, giá các loại cây có múi thường ổn định ở mức cao nên nông dân đua nhau chặt tràm, cà phê, tiêu chuyển sang trồng cam”.

Giá cam, quýt giảm sâu khiến nhà vườn thua lỗ nặng. Ảnh chụp tại hộ ông Phạm Công Hoan, nông dân trồng cam tại xã Hiếu Liêm
Giá cam, quýt giảm sâu khiến nhà vườn thua lỗ nặng. Ảnh chụp tại hộ ông Phạm Công Hoan, nông dân trồng cam tại xã Hiếu Liêm

Ông Nguyễn Văn Dương, cộng tác viên khuyến nông tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), cho biết: “Ngày trước, đây là vùng chuyên canh cây quýt với cả ngàn hécta. Rồi nông dân chặt bỏ cây quýt hàng loạt vì dịch bệnh, giá thấp. Hiện nay, vùng này đang khôi phục lại diện tích cây có múi với khoảng 300 hécta. Phong trào trồng cây có múi vẫn đang tiếp tục phát triển rầm rộ, trong đó cây bưởi da xanh được ưu tiên lựa chọn nhiều”.

Nhiều nhà vườn xử lý kỹ thuật để vụ thu hoạch cây có múi, đặc biệt là trái bưởi, tập trung cho thời điểm Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, thời tiết thất thường nên ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất vụ trái cây tết. Tuy nhiên theo dự đoán, các loại trái cây trên, nhất là trái bưởi vẫn dồi dào cung cấp cho thị trường tết.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,086,227       1/1,465