Kinh tế

Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục

(ĐN)- Ngày 4-1, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị...

(ĐN) – Ngày 4 -1, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cùng lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Năm 2017, giá trị sản xuất Nông – lâm – thủy sản của cả nước tăng 3,16%, cao hơn so mục tiêu đề ra. Cả nước đã chuyển gần 186 ngàn hécta đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau hoa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 2,23%, cao hơn mục tiêu đề ra.

Ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc, sữa... tuy vẫn tăng mạnh nhưng do ảnh hưởng của cơn khủng hoảng thị trường thịt heo, khiến giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra: chỉ đạt 2,16%.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản lại đạt mức cao nhất từ trước đến nay với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 36,4 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao, như: rau quả (tăng 40,5%), cao su (tăng 35,6%), gạo (tăng trên 23%), điều (tăng gần 24%)...Xuất khẩu vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 nhóm mặt hàng là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nhất là mở rộng liên kết vùng để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu; có cơ chế riêng phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là về nguồn nhân lực và quản trị có khả năng tiếp cận nông nghiệp 4.0; ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nông sản; đẩy mạnh đàm phán, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản; có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư vào nông nghiệp…

Nông dân ngày càng quan tâm làm nhãn hàng hóa cho nông sản. Trong ảnh: Hợp tác xã, nông dân giới thiệu các loại đặc sản trái cây tại hội nghị giao thương kết nối cung - cầu tại Đồng Nai.
Trái cây là một trong 5 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Trong ảnh: Hợp tác xã, nông dân giới thiệu các loại đặc sản trái cây tại hội nghị giao thương kết nối cung - cầu tại Đồng Nai (Ảnh: tư liệu)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, lũ lụt xảy ra nghiêm trọng, ngành nông nghiệp đã có đóng góp rất lớn trong chỉ đạo, triển khai phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai và đạt mức tăng trưởng cao hơn hẳn so với năm 2016.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả cao hơn hẳn kim ngạch xuất khẩu dầu thô; cơ cấu sắp xếp nông nghiệp chuyển biến một cách rõ nét; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển ở khắp các vùng, miền. Những tấm gương, điển hình trong sản xuất nông nghiệp kiểu mới, đạt hiệu quả cao không ngừng được nhân rộng.

Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều bất cập, như: tái cơ cấu chưa mạnh mẽ; thói quen sản xuất tiểu nông, manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến; năng suất lao động còn thấp; một số địa phương vẫn còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng; còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản, an toàn thực phẩm; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng…

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2018 phải tạo sự chuyển biến rõ nét hơn cho ngành nông nghiệp, đưa hiệu quả sản xuất nông nghiệp lên cao hơn với mức tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD…Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, các ngành, địa phương phải chủ động triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, phải đưa ra mục tiêu, số liệu cụ thể cần hoàn thành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, phải quan tâm xử lý đồng bộ, hiệu quả những vấn đề bức xúc cuả ngành nông nghiệp, nhất là về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, vệ sinh môi trường nông thôn. Các địa phương phải tìm ra lợi thế riêng; quan tâm nghiên cứu thị trường trước khi đi vào sản xuất. Càng về sau, xây dựng nông thôn mới càng khó, nhưng phải giữ vững mục tiêu phát triển đề ra.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,070,250       2/1,017