Kinh tế

Xây dựng vườn thực vật lớn nhất cả nước

Hơn 10 nhà khoa học trên lĩnh vực thực vật trong nước vừa góp ý cho quy hoạch xây dựng vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) đều thống nhất việc quy hoạch và đề nghị xây dựng nhanh vườn thực vật để sưu tập, bảo tồn các loại thực vật quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu, học tập và du lịch.

Các nhà khoa học đi thực địa khu vực sẽ làm vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai.
Các nhà khoa học đi thực địa khu vực sẽ làm vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai.

Theo quy hoạch, vườn thực vật  có tổng diện tích gần 354 hécta nằm ở khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 106 và một phần diện tích trong vùng ngập nước hồ Bà Hào thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 86 tỷ đồng. Hiện trạng khu vực này đang là rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trồng cây ăn quả.

* Mang tầm quốc gia

Các nhà khoa học nhận định trên thế giới có khoảng 1.500 vườn thực vật với quy mô khá lớn. Việt Nam cũng có triển khai thực hiện một số vườn thực vật nhưng quy mô nhỏ, đơn sơ, chưa mang tầm quốc gia. Do đó, nếu vườn thực vật tại Đồng Nai được thực hiện, đây sẽ là vườn có quy mô lớn nhất cả nước sưu tập, bảo tồn các loại thực vật đặc trưng của vùng Đông Nam bộ, phía Nam và cả nước để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục cộng đồng và du lịch.

Đồng Nai đã tiến hành đóng cửa rừng được 20 năm nên các loài thực vật trong rừng đã tái tạo và khá đa dạng. Khu vực dự kiến xây dựng vườn thực vật hiện có 544 loài với 118 họ và 4 ngành, trong đó chủ yếu là loài thuộc họ thầu dầu, đậu, cà phê, phong lan, dương xỉ; có 25 loài thực vật quý hiếm, nguy cấp.

TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi đề xuất làm vườn thực vật là muốn bảo tồn các loại thực vật quý hiếm, các loài nguy cấp của vùng Đông Nam bộ để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và giáo dục lòng yêu thiên nhiên của học sinh, đồng thời góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực”.

PGS.TS Trần Hợp, chuyên gia về thực vật, cho rằng địa điểm chọn làm vườn thực vật rất tốt. Trong đó có khu rừng tự nhiên, rừng trồng mới và đất trống để sưu tập bổ sung thêm các loài mới. Đồng Nai nên sớm hoàn thành quy hoạch để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. “Vườn thực vật nên dành diện tích để trồng các loại cây thuốc quý và phát triển thêm y học cổ truyền, từ đó phát triển thành điểm du lịch có nguồn thu để bảo tồn phát triển sẽ thuận lợi hơn” - PGS.TS Trần Hợp nói.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa đề nghị: “Ngoài sưu tầm và bảo tồn những loài đặc trưng của khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai nên sưu tầm trồng thêm những loài khác của Việt Nam tạo thành bộ sưu tập như: xương rồng, tre trúc, cau dừa, song mây...”. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng góp ý nên có sách giới thiệu những loài đặc trưng để khách tham quan, nghiên cứu dễ dàng.

* Nên triển khai sớm

Các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành cơ bản thống nhất với nội dung quy hoạch vườn thực vật và chỉ góp ý thêm những vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện sớm có vườn thực vật mang tầm quốc gia.

TS.Trương Tất Đơ, Vụ Khoa học - công nghệ (Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam), cho hay: “Đồng Nai nên phân lộ trình để sớm xây dựng vườn thực vật và mời gọi đầu tư, đồng thời nên tăng kinh phí đầu tư để nâng tầm thành vườn thực vật quốc gia. Vụ Khoa học - công nghệ sẽ hỗ trợ Đồng Nai trong việc nghiên cứu và đưa những giống, loài đặc trưng vào trồng trong vườn”.

Theo các nhà khoa học, hiện có một số hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm một khu vực đầu tư nghiên cứu và phát triển những cây dược liệu ở Việt Nam. Nếu Đồng Nai sớm xây dựng vườn thực vật có thể mời gọi các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, trên thế giới hiện có nhiều hiệp hội bảo tồn thiên nhiên sẵn sàng hỗ trợ vốn không hoàn lại cho việc bảo tồn các loại thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng để bảo vệ đa dạng sinh học và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, Đồng Nai có thể mời gọi tham gia đầu tư.

“Trong vườn nên xây dựng thêm phòng nghiên cứu, khu vực bảo tàng có những bộ sưu tập về hoa, hạt, quả... để phục vụ học sinh, sinh viên, khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về thực vật rừng. Vườn nên đáp ứng đủ các tiêu chí: bảo tồn, học tập, nghiên cứu và du lịch” - TS.Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nói. Theo đại diện Sở Tài nguyên - môi trường, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương triển khai vườn thực vật để bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyệt Hạ

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,069,594       5/1,071