Kinh tế

Dồn vốn cho lĩnh vực ưu tiên

Năm 2017, nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay xuất nhập khẩu tăng khá cao. Đây cũng là 2 đối tượng Nhà nước đang ưu tiên cho vay vốn để phát triển...

Năm 2017, nguồn vốn cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ vay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và vay xuất nhập khẩu tăng khá cao. Đây cũng là 2 đối tượng Nhà nước đang ưu tiên cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho vay DN vừa và nhỏ đến ngày 31-12-2017 đạt 36,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 22% trong tổng dư nợ và tăng hơn 27% so với cuối năm 2016. Cho vay trên lĩnh vực xuất nhập khẩu khoảng 23,6 ngàn tỷ đồng, tăng trên 32% so với cuối năm 2016.

* Vốn vay dồi dào

Các ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai đều khẳng định nguồn vốn cho vay trong thời gian qua rất dồi dào. Những DN đủ điều kiện sẽ được các ngân hàng cho vay; hồ sơ, thủ tục vay vốn cũng linh hoạt. Do đó, số DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn, một số ngân hàng đã cho vay dưới dạng tín chấp, giúp DN đang cần vốn bớt khó khăn.

Hiện nay, còn 2 lĩnh vực ưu tiên ít tiếp cận được vốn vay ưu đãi là DN công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn vay ưu đãi được khoảng 635 tỷ đồng, còn vay ưu đãi để ứng dụng công nghệ cao gần như chưa đơn vị nào vay được.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần công thương (Vietinbank) chi nhánh Đồng Nai, cho hay: “Nguồn vốn của Vietinbank chi nhánh Đồng Nai hiện tại phần lớn dành cho DN xuất khẩu và DN vừa và nhỏ trong tỉnh vay để đầu tư mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Dư nợ đến hết năm 2017 khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Riêng cho vay DN vừa và nhỏ năm 2017 tăng khá cao, lãi suất cho vay cũng thấp hơn năm 2016. Trong đó, vay ngắn hạn từ 6-6,5%/năm và vay trung dài hạn khoảng 9%/năm”.

Năm 2017, lãi suất cho vay ngắn hạn với những lĩnh vực ưu tiên giảm thêm khoảng 0,5%/năm. Nguồn vốn của các ngân hàng khá dồi dào vì thế các DN tìm hiểu từ 3-4 ngân hàng, xem nguồn vốn nơi nào cho vay thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, định giá tài sản cao sẽ chọn lựa.

Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Đến đầu tháng 1-2018, dư nợ cho vay của ACB chi nhánh Đồng Nai đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, trong đó có hơn 2 ngàn tỷ đồng cho vay DN vừa và nhỏ. Nguồn vốn của ACB chi nhánh Đồng Nai rất dồi dào, ngoài những DN đủ điều kiện vay thì những DN không đủ tài sản thế chấp nhưng có phương án kinh doanh tốt sẽ được xét vay tín chấp”.

Đồng Nai có 39 ngân hàng với tổng nguồn vốn huy động được hơn 182 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay ra trên 164 ngàn tỷ đồng nên nguồn vốn cho vay vẫn còn khá nhiều.

* Vẫn còn vướng mắc

Theo quy định, có 5 đối tượng được ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi là: DN vừa và nhỏ, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Tại Đồng Nai, dư nợ cho DN vừa và nhỏ, DN xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn có mức tăng trưởng cao nhất. Điều này phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.
Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai.

Bà Hồ Xuân Hương, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay với DN vừa và nhỏ của Vietcombank chi nhánh Đồng Nai là hơn 1 ngàn tỷ đồng và xuất nhập khẩu khoảng 3.300 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực ưu tiên nên ngân hàng luôn tạo điều kiện để DN dễ tiếp cận được nguồn vốn”.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN Đồng Nai, hầu hết DN vừa và nhỏ đều thiếu vốn nên nhu cầu về vốn vẫn còn rất lớn. Thời gian qua còn nhiều DN chưa tiếp cận được vốn vay do vướng mắc về tài sản thế chấp.

“Tôi sản xuất bột mì tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên thường xuyên phải vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu và sản xuất. Lãi suất những năm gần đây ổn định và có giảm nhẹ giúp DN bớt khó khăn. Những DN có tài sản thế chấp thì vay vốn rất dễ, còn DN không vay được vốn phần lớn là do không đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp” - ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Thành Đạt Phát (huyện Xuân Lộc) chia sẻ.

Tuy nhiên theo ông Công, lãi suất cho DN những lĩnh vực ưu tiên vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước khu vực ASEAN như: Thái Lan, Singapore nên khả năng cạnh tranh của DN khi xuất khẩu kém hơn. Cụ thể tại Thái Lan, theo tìm hiểu của ông thì lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản chỉ 4%/năm.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho rằng năm 2017 số DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tiếp cận được vốn cho vay từ các ngân hàng nhiều hơn và dư nợ cho vay tăng hơn 27%, trong khi tăng trưởng chung chỉ hơn 20%. Dư nợ cho các DN xuất nhập khẩu vay tăng trên 32% so với cuối năm 2016, điều này chứng tỏ nguồn vốn đang đổ vào đúng lĩnh vực ưu tiên.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,069,603       2/1,044